05 tháng 1, 2005

Sự Trưởng Thành Của Lòng Dũng Cảm (CT8)


Đỗ Chương

“Trí Tuệ Việt Nam” là một cuộc thi lớn cấp quốc gia, được bảo trợ bởi FPT, VinaCom và một số Cty tin học hàng đầu của VN, do chính Thủ tướng tận tay trao giải thưởng hàng năm, nhằm khuyến khích các bạn trẻ tin học ở đây ra sức sáng tạo viết lập trình và ứng dụng các phần mềm vi tính. Năm ngoái, nhóm iCMS đoạt giải thưởng vinh quang này qua một sản phẩm cùng tên có công dụng tự động thu thập, phân loại, truy nguyên và sắp xếp thông tin lấy xuống từ các trang web theo mệnh lệnh cài sẵn để dễ dàng sử dụng về sau. Sản phẩm iCMS sau đó đã được Cty VinaCom mua trọn gói với giá 10 tỷ đồng rồi bán lại với lợi nhuận cao cho báo Công An TP, đài Truyền Hình VN và một số Ủy Ban Nhân Dân tỉnh…

Sự cố bùng nổ khi có người phân tích các dòng code lập trình của iCMS rồi so sánh với các nguồn mã mở trên trang web CMS.net của một tác giả ở Canada để kết luận rằng đây là một sản phẩm sao chép bất hợp pháp. Lại có người nêu lên sự liên hệ mật thiết giữa 1 trong nhóm 4 tác giả của iCMS với giám khảo Vương Vũ Thắng trong ban tổ chức TTVN (và là chủ nhân Cty VinaCom), nhằm vạch trần tinh thần vụ lợi của ban giám khảo. Những chứng cứ của 2 cấp gian lận này nhanh chóng tràn ngập trên diễn đàn Tin Tức VN của VinaCom, đến mức VinaCom phải quyết định tẩy xóa các chứng cứ đó trên trang nhà. Sự phẫn nộ của giới quan tâm lên đến đỉnh điểm tại đây: Nhóm HackerVN tố cáo iCMS và VinaCom cấu kết tạo điều kiện gian lận trong giải thưởng TTVN nhằm mục tiêu vụ lợi trên một sản phẩm trí tuệ ăn cắp; và sau đó, nhập mạng để xóa trắng trang nhà Tin Tức VN của VinaCom.

Bấy giờ, dàn báo chí VN tập trung công kích và lên án nhóm HackerVN đã xóa mạng của VinaCom lại gia tăng sự căm phẫn của dư luận được chuyển tải dồn dập trên Diễn Đàn Tin Học. DĐTH này chuyên về lãnh vực tin học thuần túy và không phải là diễn đàn lớn nhất. Anh Dương Vi Khoa, đại diện DĐTH, đã cùng 2 bạn trẻ ra tận Hà Nội để đặt vấn đề với BTC/TTVN tại trụ sở đại Cty FPT (98 Láng Hạ). Hai câu hỏi đơn giản được đặt ra là: 1) Mối liên hệ giữa giám khảo và tác giả đoạt giải?; và 2) Hướng giải quyết của BTC/TTVN?. Thay vì được trao đổi quan điểm với iCMS, nhóm DĐTH lại bị BTC/TTVN thẩm vấn về lý lịch nhân thân và đòi DĐTH đệ đơn khiếu nại trong vòng 72 tiếng thì mới được cứu xét. Vi Khoa đã thu băng toàn bộ phiên họp và tải lên DĐTH để công luận phán xét. Ý kiến chung cho rằng quả bóng trách nhiệm đang nằm trong chân của BTC/TTVN nên DĐTH không cần đơn từ gì sất. DĐTH đã trưng cầu ý kiến thành viên và lấy quyết định sau cùng là không viết đơn khiếu nại, nhưng tiếp tục trưng bày sự thật.

Trong tiến trình góp ý sôi nổi đó, có một người tự xưng là người của báo Công An TP lên tiếng yêu cầu mọi người hãy ngưng ngay mọi trao đổi ý kiến. Các thành viên của DĐTH đã tranh luận sát sườn về quyền phát biểu, đến mức anh này phải rút lui. Trong khi đó, lạ lùng thay, ngoại trừ hai tờ báo điện tử Tuổi Trẻ & VnExpress là có thái độ thông tin chuộng khách, dàn báo chí còn lại ở đây lại đồng loạt phán quyết một bản án là DĐTH “cấu kết với thế lực nước ngoài để đánh phá Nhà Nước ta”, đồng thời, đề nghị công an phải nghiêm nhặt theo dõi anh Dương Vi Khoa! Sự cố này càng khiến cho nỗi căm phẫn của giới trẻ quan tâm chuyên chở trên các web-forums ở đây trở thành quá tải.

Cho đến ngày 22/12/2004, BTC giải TTVN mới ra quyết định thu hồi giải thưởng này từ iCMS. Lúc đó, dàn báo chí chính quy mới đua nhau tường thuật kết quả. Qua thành quả này của nhóm DĐTH, người ta có thể ghi nhận được gì?

(1) Từ việc lấy cắp tư tưởng đến việc lấy cắp nguồn mã lập trình là một tiến trình thuận của định hướng quá độ và rất đáng xấu hổ. Trí tuệ VN không tồi đến thế! (2) Các web-forums nhỏ bé ở đây là nơi tập trung mọi ý kiến không thể đăng tải trên dàn báo chính quy khổng lồ của Nhà nước ta. Nhưng lại là ý kiến của số đông. Bỗng dưng lại làm lộ rõ tính nô bộc của hệ thống truyền thông chính thống, chuyên trách việc lên án những ai dám làm đúng chức năng của truyền thông là nói lên sự thật. Lại làm lộ rõ thêm tính dũng cảm của giới trẻ quyết bảo vệ quyền phát biểu vượt qua sức cản của công an bịt miệng. (3) Những diễn đàn này, ngoài đích nhắm cho sự phát triển chuyên ngành, còn là nơi trao đổi vì mục tiêu đấu tranh cho công bằng xã hội bằng chính nhiệt huyết của thanh niên và theo đúng khẩu hiệu của Nhà nước. (4) Trong thế giới tin học toàn cầu ngày nay, các trang web đều có những lợi thế nhất định. Trong trường hợp cần thiết, việc xóa sổ 1 trang web lớn của các quan chức phi pháp cũng có thể được coi là 1 loại chiến thuật ở xứ sở luật rừng, để gây sự chú ý rộng lớn. (5) Giới trẻ đã thực sự trưởng thành trong sinh hoạt chung: không trực tiếp đối đầu với hệ thống bạo lực và truyền thông đang bảo vệ điều sai. Họ chỉ trưng ra trước công luận những điều sai trái đó và đòi hỏi sự thật, để công luận phán xét. Sự phán quyết và lựa chọn này chính là sinh hoạt căn bản của dân chủ đa nguyên. Họ cũng đã thực sự trưởng thành trong sinh hoạt dân chủ nội bộ: dùng trưng cầu ý kiến để lấy quyết định tối hậu. Đó là cách ứng dụng sức mạnh đa số trong nội bộ để vận động sức mạnh đa số ngoài xã hội. (6) Mặt khác, giới trẻ đã trưởng thành trong ứng xử: quả quyết và dũng cảm trong hướng đi, nhưng ôn hòa và chừng mực trong hành động với Nhà nước, kể cả lúc phải lấy quyết định bất hợp tác, không điền đơn, hoặc không để Nhà nước ghép cớ tiêu cực cho diễn trình đấu tranh đầy chính nghĩa này.

Với một vài ghi nhận sơ khởi vừa nêu, người ta thấy an tâm khá nhiều về phương cách đấu tranh khoanh vùng của giới trẻ VN. Xin trang trọng gửi đến các bạn trẻ của Diễn Đàn Tin Học một đóa hồng vươn lên từ khu vườn khát vọng mọc xuyên qua những hàng kẽm gai rỉ sét. Kèm theo đó là một niềm hãnh diện vô bờ. Không phải ở thành quả thu hồi giải thưởng, mà là ở chỗ, rõ ràng, tuổi trẻ đang giành quyền phát biểu và tạo tư thế phát biểu bằng hậu thuẫn của đại khối quần chúng.

Vấn đề còn lại, nối kết những cuộc đấu tranh khoanh vùng ở nhiều lãnh vực này lại cho giáp mí với nhau, chỉ còn là sự điều phối liên hợp của những người hằng tâm vì dân tộc và dám xả thân cho đất nước?

Không có nhận xét nào: