05 tháng 1, 2005
Tháng Giêng - Biển và Máu (CT8)
Tháng Giêng. Năm mới 2005.
Sáng ngày 8, vịnh Bắc Bộ dậy sóng. Hai tàu tuần duyên của Trung Quốc xả súng bắn chết 9 ngư dân Việt Nam. 7 người bị thương nặng. 8 người bị bắt đem về đảo Hải Nam. Báo Nhân Dân và Thông tấn xã VN lẳng lặng im tiếng. Tất cả các tờ báo lớn khác, tất nhiên, không có gì để đăng tải về sự cố này. Ba ngày sau, cái loa Hà Nội mới mấp máy: "ngư phủ ta bị tàu lạ mang cờ hiệu nước ngoài bao vây, dùng súng bắn xối xả". Không một độc giả hay thính giả nào hiểu được nước ngoài là ai, hay vì sao chưa thể nói là ai. Một ngày sau nữa, báo Thanh Niên mới xung phong mở khẩu trang, đăng tin liên tiếp trong ba số báo. Còn nhà nước ta thì lên chương trình đại tiệc khấu đầu: ngày 13, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp đãi Cố Tú Liên và khẳng định rằng hiện nay, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước phát triển rất tốt đẹp. Chưa hết. Tối 14, Đại sứ của Bắc Kinh tại Hà Nội là Tề Kiến Quốc chiêu đãi trọng thể mừng kỷ niệm lần thứ 55 ngày thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai nước và ban cho đôi lời phán: sẽ quí trọng và coi trọng phát triển tình hữu nghị truyền thống Hoa-Việt. Ngoan ngoãn tiếp lời, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã nâng cốc bày tỏ lòng tin tưởng sâu sắc rằng mối quan hệ này sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển...
Chín mạng người chỉ là một con số lẻ trong mối quan hệ răng rụng môi sứt.
Những đôi môi bóng mỡ chưa kịp lau sạch sau những dạ tiệc tưng bừng kỷ niệm tình hữu nghị, thì ngày 15, Bắc Kinh chính thức tuyên bố 3 tàu đánh cá Việt Nam là hải tặc đánh cướp tàu đánh cá Trung Quốc và vì đó mà cảnh sát Trung Quốc đã nổ súng can thiệp. Im lặng nữa là đồng nghĩa với chấp nhận sự ươn hèn mà sĩ phu Hà thành đã nhận định về hai bản hiệp ước dâng đất, nhượng biển chưa ráo mực. Nên đành: ngày 16, đại diện Hà Nội ta gặp đại diện Bắc Kinh để trao công hàm phản đối và yêu cầu cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ đã bắn chết người. Nhiều người nhìn nhau: để xem tới đâu.
Mà bao nhiêu người trong 80 triệu dân ta với niềm tự hào dân tộc cực kỳ cao sẽ quan tâm để xem tới đâu? Chợt nhớ một đoạn Chào buổi sáng của Thanh Thảo "...cứ nghĩ đến cảnh hàng mấy vạn người trên sân Mỹ Ðình lặng ngắt và như òa khóc lúc đội tuyển Việt Nam bị Indonesia dẫn 3-0 và mọi hy vọng đã tắt, ta mới hiểu bóng đá tác động thế nào đến một cộng đồng, một đất nước. Ðừng bao giờ đùa với nỗi đau như thế!". Chợt nhớ đến bài góp ý bạn đọc trên Talawas của Bùi Thị Lài "...mọi người lặng ngắt và như òa khóc vì thua một trận bóng, còn với tang tóc này thì không lẽ chỉ lặng ngắt và như òa khóc thôi sao? Nó sẽ tác động thế nào đến một cộng đồng, một đất nước?". Tang tóc mà Bùi Thị Lài nói ở đây là biến động vịnh Bắc bộ đấy.
Biết vậy cho nên mấy hôm nay trên chiến trường ảo của thế giới điện toán, nơi mà đảng ta không đủ khẩu trang để bịt miệng, nhiều phát biểu cũng theo sóng cồn vịnh Bắc bộ mà nổi lên. Đảng ta ra sức ráo riết thuyết phục: Đảng vinh quang chỉ muốn tránh những hy sinh của nhân dân khi phải đối đầu lần nữa một cuộc chiến với Bắc triều (nên đành âm thầm dâng đất, nhượng biển, đưa ra vài yêu cầu phản đối lấy lệ); hoặc là nhân dân ta nếu có phẫn nộ thì cũng chỉ nên đoàn kết để lên án Trung quốc thay vì kể tội đảng ta; hoặc là dân ta sẽ không phản đối mạnh bởi dân mình cũng ngán chiến tranh rồi... Đảng và Nhà nước ta cũng đang nhìn vào phản ứng của nhân dân: Để xem tới đâu?
Cho rằng cứ múa lưỡi gỗ đến gãy thì ai cũng thấy rõ đặc tính bạc nhược của đảng ta. Cũng vì nắm tẩy cái bạc nhược này mà Bắc triều đã chèn ép được đảng ta qua hai hiệp định dâng đất nhượng biển, rồi sau đó, qua những khẩu AK47 chỉa thẳng vào ngư dân Việt. Cũng vì bạc nhược nên đảng đã phải cố chứng minh với nhân dân là: Đấy, đảng đã lên tiếng rồi, đã phản đối và yêu cầu Trung Quốc cho điều tra, xử lý nghiêm những kẻ đã bắn chết người; còn thực hiện hay không là lỗi của Trung Quốc. Chấm hết. Máu của dân. Lỗi không phải của Đảng. Thắc mắc nữa là phá hoại tình hữu nghị, phá hoại nền hòa bình, là mắc mưu các thế lực thù địch… Lại chợt nhớ tới lần nhân dân ta bị lùa xuống đường Láng Hạ để phản đối Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq.
Bạn thân mến,
Nếu có lần bạn đã ngậm ngùi bởi kết quả 0-3 của một trận bóng đá, thì lần này, cứ tạm coi đấy là kết quả 0-9 của một trận đấu khác mà trái banh là những viên đạn đồng đã phá thủng lồng ngực những người dân nước Việt: Lê Văn Xuyên, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Xuân Trọng, Nguyễn Hữu Biên, Đinh Văn Đông, Nguyễn Văn Tâm, Trung, Hồng, Dũng.
Đằng sau những mạng sống đó là nền tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc đã bị hiến dâng và còn đang bị đe dọa. Tương lai của 80 triệu sinh mạng khác còn tùy thuộc vào sự ươn hèn của một thiểu số hơn chục người gọi là Bộ Chính trị luôn cố chứng minh là không có lỗi. Mỗi người trong chúng ta có thể nào khoanh tay đứng đó, để xem đất nước đi về đâu không?
Nhóm chủ trương Canh Tân
Sự Trưởng Thành Của Lòng Dũng Cảm (CT8)
Đỗ Chương
“Trí Tuệ Việt Nam” là một cuộc thi lớn cấp quốc gia, được bảo trợ bởi FPT, VinaCom và một số Cty tin học hàng đầu của VN, do chính Thủ tướng tận tay trao giải thưởng hàng năm, nhằm khuyến khích các bạn trẻ tin học ở đây ra sức sáng tạo viết lập trình và ứng dụng các phần mềm vi tính. Năm ngoái, nhóm iCMS đoạt giải thưởng vinh quang này qua một sản phẩm cùng tên có công dụng tự động thu thập, phân loại, truy nguyên và sắp xếp thông tin lấy xuống từ các trang web theo mệnh lệnh cài sẵn để dễ dàng sử dụng về sau. Sản phẩm iCMS sau đó đã được Cty VinaCom mua trọn gói với giá 10 tỷ đồng rồi bán lại với lợi nhuận cao cho báo Công An TP, đài Truyền Hình VN và một số Ủy Ban Nhân Dân tỉnh…
Sự cố bùng nổ khi có người phân tích các dòng code lập trình của iCMS rồi so sánh với các nguồn mã mở trên trang web CMS.net của một tác giả ở Canada để kết luận rằng đây là một sản phẩm sao chép bất hợp pháp. Lại có người nêu lên sự liên hệ mật thiết giữa 1 trong nhóm 4 tác giả của iCMS với giám khảo Vương Vũ Thắng trong ban tổ chức TTVN (và là chủ nhân Cty VinaCom), nhằm vạch trần tinh thần vụ lợi của ban giám khảo. Những chứng cứ của 2 cấp gian lận này nhanh chóng tràn ngập trên diễn đàn Tin Tức VN của VinaCom, đến mức VinaCom phải quyết định tẩy xóa các chứng cứ đó trên trang nhà. Sự phẫn nộ của giới quan tâm lên đến đỉnh điểm tại đây: Nhóm HackerVN tố cáo iCMS và VinaCom cấu kết tạo điều kiện gian lận trong giải thưởng TTVN nhằm mục tiêu vụ lợi trên một sản phẩm trí tuệ ăn cắp; và sau đó, nhập mạng để xóa trắng trang nhà Tin Tức VN của VinaCom.
Bấy giờ, dàn báo chí VN tập trung công kích và lên án nhóm HackerVN đã xóa mạng của VinaCom lại gia tăng sự căm phẫn của dư luận được chuyển tải dồn dập trên Diễn Đàn Tin Học. DĐTH này chuyên về lãnh vực tin học thuần túy và không phải là diễn đàn lớn nhất. Anh Dương Vi Khoa, đại diện DĐTH, đã cùng 2 bạn trẻ ra tận Hà Nội để đặt vấn đề với BTC/TTVN tại trụ sở đại Cty FPT (98 Láng Hạ). Hai câu hỏi đơn giản được đặt ra là: 1) Mối liên hệ giữa giám khảo và tác giả đoạt giải?; và 2) Hướng giải quyết của BTC/TTVN?. Thay vì được trao đổi quan điểm với iCMS, nhóm DĐTH lại bị BTC/TTVN thẩm vấn về lý lịch nhân thân và đòi DĐTH đệ đơn khiếu nại trong vòng 72 tiếng thì mới được cứu xét. Vi Khoa đã thu băng toàn bộ phiên họp và tải lên DĐTH để công luận phán xét. Ý kiến chung cho rằng quả bóng trách nhiệm đang nằm trong chân của BTC/TTVN nên DĐTH không cần đơn từ gì sất. DĐTH đã trưng cầu ý kiến thành viên và lấy quyết định sau cùng là không viết đơn khiếu nại, nhưng tiếp tục trưng bày sự thật.
Trong tiến trình góp ý sôi nổi đó, có một người tự xưng là người của báo Công An TP lên tiếng yêu cầu mọi người hãy ngưng ngay mọi trao đổi ý kiến. Các thành viên của DĐTH đã tranh luận sát sườn về quyền phát biểu, đến mức anh này phải rút lui. Trong khi đó, lạ lùng thay, ngoại trừ hai tờ báo điện tử Tuổi Trẻ & VnExpress là có thái độ thông tin chuộng khách, dàn báo chí còn lại ở đây lại đồng loạt phán quyết một bản án là DĐTH “cấu kết với thế lực nước ngoài để đánh phá Nhà Nước ta”, đồng thời, đề nghị công an phải nghiêm nhặt theo dõi anh Dương Vi Khoa! Sự cố này càng khiến cho nỗi căm phẫn của giới trẻ quan tâm chuyên chở trên các web-forums ở đây trở thành quá tải.
Cho đến ngày 22/12/2004, BTC giải TTVN mới ra quyết định thu hồi giải thưởng này từ iCMS. Lúc đó, dàn báo chí chính quy mới đua nhau tường thuật kết quả. Qua thành quả này của nhóm DĐTH, người ta có thể ghi nhận được gì?
(1) Từ việc lấy cắp tư tưởng đến việc lấy cắp nguồn mã lập trình là một tiến trình thuận của định hướng quá độ và rất đáng xấu hổ. Trí tuệ VN không tồi đến thế! (2) Các web-forums nhỏ bé ở đây là nơi tập trung mọi ý kiến không thể đăng tải trên dàn báo chính quy khổng lồ của Nhà nước ta. Nhưng lại là ý kiến của số đông. Bỗng dưng lại làm lộ rõ tính nô bộc của hệ thống truyền thông chính thống, chuyên trách việc lên án những ai dám làm đúng chức năng của truyền thông là nói lên sự thật. Lại làm lộ rõ thêm tính dũng cảm của giới trẻ quyết bảo vệ quyền phát biểu vượt qua sức cản của công an bịt miệng. (3) Những diễn đàn này, ngoài đích nhắm cho sự phát triển chuyên ngành, còn là nơi trao đổi vì mục tiêu đấu tranh cho công bằng xã hội bằng chính nhiệt huyết của thanh niên và theo đúng khẩu hiệu của Nhà nước. (4) Trong thế giới tin học toàn cầu ngày nay, các trang web đều có những lợi thế nhất định. Trong trường hợp cần thiết, việc xóa sổ 1 trang web lớn của các quan chức phi pháp cũng có thể được coi là 1 loại chiến thuật ở xứ sở luật rừng, để gây sự chú ý rộng lớn. (5) Giới trẻ đã thực sự trưởng thành trong sinh hoạt chung: không trực tiếp đối đầu với hệ thống bạo lực và truyền thông đang bảo vệ điều sai. Họ chỉ trưng ra trước công luận những điều sai trái đó và đòi hỏi sự thật, để công luận phán xét. Sự phán quyết và lựa chọn này chính là sinh hoạt căn bản của dân chủ đa nguyên. Họ cũng đã thực sự trưởng thành trong sinh hoạt dân chủ nội bộ: dùng trưng cầu ý kiến để lấy quyết định tối hậu. Đó là cách ứng dụng sức mạnh đa số trong nội bộ để vận động sức mạnh đa số ngoài xã hội. (6) Mặt khác, giới trẻ đã trưởng thành trong ứng xử: quả quyết và dũng cảm trong hướng đi, nhưng ôn hòa và chừng mực trong hành động với Nhà nước, kể cả lúc phải lấy quyết định bất hợp tác, không điền đơn, hoặc không để Nhà nước ghép cớ tiêu cực cho diễn trình đấu tranh đầy chính nghĩa này.
Với một vài ghi nhận sơ khởi vừa nêu, người ta thấy an tâm khá nhiều về phương cách đấu tranh khoanh vùng của giới trẻ VN. Xin trang trọng gửi đến các bạn trẻ của Diễn Đàn Tin Học một đóa hồng vươn lên từ khu vườn khát vọng mọc xuyên qua những hàng kẽm gai rỉ sét. Kèm theo đó là một niềm hãnh diện vô bờ. Không phải ở thành quả thu hồi giải thưởng, mà là ở chỗ, rõ ràng, tuổi trẻ đang giành quyền phát biểu và tạo tư thế phát biểu bằng hậu thuẫn của đại khối quần chúng.
Vấn đề còn lại, nối kết những cuộc đấu tranh khoanh vùng ở nhiều lãnh vực này lại cho giáp mí với nhau, chỉ còn là sự điều phối liên hợp của những người hằng tâm vì dân tộc và dám xả thân cho đất nước?
Chính Phủ Việt Nam Đầu Thế Kỷ 21 Là Một Con Nghiện (CT8)
Lê Trực
“Con nghiện” là một khái niệm tương đối phổ biến và dân dã trong giai đoạn này, dùng để chỉ những người bị lệ thuộc vào ma túy, bất kể già hay trẻ, nam hay nữ, vua chúa quyền cao chức trọng hay là dân thường cùng đinh mạt hạng. Nhân dân dùng từ “con nghiện” là vì đối với những người nghiện ma túy, phần “con” đã lấn át phần “người”. Nếu coi Chính phủ là một bộ máy với những chi thể rõ ràng như một con người, thì trong Chính phủ Việt Nam, cái phần “con” lớn hơn rất nhiều so với phần “người”. Hiện nay, ở nhân dân ta, phần “người” quá lớn, quá nhân đạo và vị tha, ngược lại phần “con” trong Chính phủ lại quá lớn, quá vô nhân đạo và đầy lòng vị kỷ. Gọi chính phủ là một con nghiện là một phép so sánh có vẻ khôi hài nhưng lại rất gần gũi trong điều kiện Chính phủ Việt Nam ta hiện nay.
Thứ nhất: Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dật dờ như con nghiện. Nói đến con nghiện, người ta hay nói đến chữ “dật dờ”. Dật dờ khi thiếu thuốc, dật dờ khi “chơi” thuốc và dật dờ khi “phê” thuốc. Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng vậy, tự nó không có lòng tin vào chính mình, lảo đảo nhưng chưa ngã, liêu xiêu nhưng còn nhìn ra tường vách để bấu víu, loạng choạng nhưng vẫn liều lĩnh bước đi. Chính phủ dật dờ vì không còn ai tin vào quyền năng của chính phủ: Tháng nào cũng vậy, trong cuộc họp chính phủ, ông Khải cũng ngồi nhai đi nhai lại những kiến thức cũ mèm với một cái giọng “rè” quá mức. Các thành viên nội các ngồi dật dờ ngáp vặt, y như những con nghiện tới cơn, hết buổi họp hầu như không biết hôm nay bàn về vấn đề gì. Dật dờ vì một mặt hô hào quần chúng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản, mặt khác, mỗi một thành viên Chính phủ lại ráo riết chuẩn bị cho những phương án cách mạng tư bản, đưa con cái đi đào tạo ở Anh, ở Mỹ, ở Úc... Chính phủ dật dờ vì không còn ai tin vào đảng cộng sản nhưng vẫn ngoài mặt tán dương những chủ trương chính sách của Đảng và cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Dật dờ vì tự thấy ra là công bộc, phục vụ nhân dân nhưng đang cố đè đầu cỡi cổ nhân dân, bóc lột nhân dân thậm tệ, hay vì “trên bảo dưới không nghe và bộ máy chúng ta đang hư hỏng” (lời ông Phan Văn Khải). Chính phủ dật dờ vì đang nói về chống tham nhũng mà vẫn coi tham nhũng là điều đương nhiên và ra sức bao che cho nó, tức là cho chính mình. Dật dờ vì mâu thuẫn nội bộ với nhau trầm trọng nhưng vẫn ràng buộc với nhau bằng sợi dây tư lợi. Dật dờ vì Nhân dân Việt Nam tưởng như có thể đập tan nó không mấy khó nhưng thực ra còn đang tìm cách xem bắt đầu từ đâu và liên kết với nhau ra sao. Tưởng nó dật dờ từng cơn rồi thì sẽ chết nhưng có vẻ cũng còn thoi thóp. Nó dật dờ vì nó biến thái và lật lọng. Dật dờ vì chính nó mệt mỏi và thiếu sức sống. Nó dặt dẹo.
Thứ hai: Chính phủ Việt Nam đang là một con nghiện vì rất cực đoan, tâm tính thất thường. Con nghiện luôn có tâm lý bất bình thường, khi thì rất hiền, khi thì rất ác. Ở Nam Định, một con nghiện suốt ngày tỉ tê nói chuyện nhân ái với bà ngoại, thế mà khi khát thuốc, nó đã giết chết bà để lấy 50.000 đồng mua tạm một liều (báo An Ninh tháng 8, 2003); Ở Quảng Ninh, một con nghiện đã từng được cả xóm coi là hiền lành, thế mà đã đốt cả vợ và 2 đứa con nhỏ vì không cho nó 100.000 đồng đi mua “hàng trắng” (báo Tiền Phong). Chính phủ cũng vậy, bề ngoài hiền như bún khô nhưng bên trong đã tẩm mật cá nóc. Biểu hiện cụ thể nhất là cái mà tất cả thành viên Chính phủ đều đã từng đứng trước và thiêng liêng tuyên thệ - Ngọn cờ Đảng cộng sản. Duy nhất chỉ có Búa với Liềm trên một nền máu đỏ: Chủ yếu là đập dập và cắt cứa. Chính phủ phản động hiện nay của Nhân dân ta đang cố giữ hình ảnh ôn tồn qua chiêu bài phục vụ nhân dân nhưng sẵn sàng huy động cả quân đội, cảnh sát, tòa án… để tàn sát, bắt bớ hàng trăm nông dân nghèo không một tấc sắt trong tay, thậm chí thủ tiêu nhiều người, chỉ vì họ nói hoặc viết ra những điều tốt đẹp, tỉ dụ như: Phải có dân chủ, phải có đa nguyên, phải chống tham nhũng… Con nghiện tàn ác nhất thời để có liều thuốc khẩn thiết cho cơn giật tại chỗ. Còn Chính phủ tàn ác với số đông là để kéo dài cơn mê quyền lực độc đảng thống trị Nhân dân.
Thứ ba: Chính phủ Việt Nam đang là một con nghiện đủ thuốc. Bất cứ “con nghiện” nào cũng đều béo tốt nếu nó đủ thuốc. Chính phủ Việt Nam cũng vậy, nó đang đủ thuốc. Hầu hết những người lao động vất vả kiếm tiền thì ít có điều kiện để nghiện, còn con nghiện thường dùng tiền của người khác để “chơi” cho đã. Chính phủ Việt Nam, với mức lương của tất cả các thành viên đều rất thấp, không thể có đủ tiền riêng để tiêu xài hoang phí. Họ dùng tiền của Nhân dân để chơi thuốc. Thuốc ở đây không chỉ còn là hàng trắng mà là gái, cả những em bé chưa đến tuổi thành niên, bị những người ở hàm thứ trưởng phá trinh “cho vui” (Lương Quốc Dũng). Thuốc ở đây là nhà lầu hàng chục tỷ đồng, là những chiếc xe trị giá 3,000 con trâu. Đúng! Nhân dân lao động chúng ta không thể tiêu xài hoang phí vì con trâu có thể kéo mãi được cái cày chứ không kéo mãi được sự xa hoa như cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đang làm, cưỡi trên chiếc xe sang trọng giá 5 tỷ đồng. Con nghiện thường bòn rút tiền của những người thân trước khi đi lừa ngoài xã hội. Còn Chính phủ thì nhân danh Nhân dân để ăn cắp tiền của Nhân dân, thông qua từng lít dầu moi lên ở Vũng Tàu (Tham nhũng ở Dầu Khí) đến những hòn than được khai thác ở Quảng Ninh (Tham nhũng ở Tổng Cty Than VN), thông qua từng cú điện thoại mà Nhân dân gọi điện cho nhau (Tham nhũng ở Viễn Thông), thông qua từng ánh đèn nơi con em nhân dân chúng ta học đọc, học viết giữa đêm khuya (Tham nhũng trong Điện lực). Chính phủ Việt Nam ở đầu thế kỷ này thực sự béo tốt, cái béo tốt của một con nghiện đủ thuốc. Mỗi một thành viên Chính phủ bây giờ đang đủ thuốc: Chính phủ là một con nghiện lớn, là ông Tổ của các con nghiện, đẻ ra và nuôi dưỡng nhiều con nghiện nhỏ trong xã hội.
Thứ tư : Chính phủ là một con nghiện nói hay và hay nói. Một câu tục ngữ đang rất phổ biến hiện nay là “Đừng nghe con nghiện năn nỉ, đừng đi dạy đĩ vén váy”. Con nghiện nói rất hay, vì vậy rất nhiều người trong chúng ta đã bị con nghiện lừa ít nhất một lần. Chính phủ ta cũng vậy, đang lừa phỉnh được rất nhiều người. Chính phủ nói rằng “nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhờ sự chỉ đạo tài tình của Chính phủ, nhân dân ta đã thoát được đói nghèo”. Nhưng thực ra Chính phủ đã làm được gì cho nhân dân? Thoát nghèo là từ dân, do những sáng kiến và do sự lao động của dân. Chính phủ ra sức kìm kẹp, đè nén nhân dân, khi không thể đè nén được nữa, buộc phải mở cửa thì lại nói là do chính sách của mình. Chính sách khoán ruộng là một điển hình. Không mấy khó để nhận thấy được sự trơ trẽn hoặc thô lỗ của những con nghiện. Nhân dân ta cũng vậy, cơ bản họ hiểu được là Chính phủ đang cướp công và cướp tiền của họ. Chính phủ đang nhân danh họ để “hót” với thế giới hầu mong có nhiều viện trợ, nhiều đầu tư để các thành viên Chính phủ lại “no thân ấm cật”. Con nghiện đôi khi cũng làm được một đôi điều phúc đức. Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng vậy, có làm được đôi điều ví dụ như xây dựng được một số cơ sở hạ tầng. Nhưng cũng giống như con nghiện, khi nó làm một điều gì đó tốt là vì nó không phải bỏ tiền ra và lại nhìn thấy lợi ích của chính nó trong đó. Chính phủ đầu tư xây dựng, còn tiền trả nợ là thuộc về Nhân dân. Hiện nay mỗi tháng một người dân đã phải trả lãi 8 USD cho ngoại quốc, đó là do tiền vay và tiền vay đó đã bị các thành viên Chính phủ cắt xén bớt đi: Chương trình 135 đã thành 531. Chính phủ nói tài lắm, y như con nghiện vậy, và nếu chạy theo để lật mặt một kẻ lật lọng thì chừng nào mới hết mặt, vì nó tráo trở.
Thứ năm: Chính phủ là tập hợp của nhiều con nghiện thật sự. Rất nhiều chuyên viên là con cái của các cán bộ lãnh đạo trong Chính phủ nghiện ma túy. Khi thứ trưởng Mai Văn Dâu và con trai bị bắt, nhân dân mới biết được rằng cả 2 đứa con của ông đều đang xài “hàng trắng”. Cà hai, một đã bị bắt, một đang học ở Anh, đều rất béo tốt vì đủ thuốc. Trước đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư thông báo toàn Bộ có hơn 24 chuyên viên đang nghiện ma túy. Con của Nguyễn Thiện Luân - cựu thứ trưởng Bộ nông nghiệp cũng nghiện nặng. Còn con cái của những người cao hơn ở hàm Chủ tịch hoặc là Phó chủ tịch nội các thì không những nghiện mà còn là chủ của những sàn nhảy lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, nơi phân phát ma túy tổng hợp cực mạnh dưới dạng viên (hồng phiến, extasy…). Dù cho giới chức quyền này có nỗ lực cai nghiện thì khả năng tái nghiện là nhãn tiền. Đó là vì trong túi họ có rất nhiều tiền, còn ngoài xã hội thì có rất nhiều ma túy. Người ta mua bán công khai, có chợ họp thật đông đúc, xôm tụ. Đó là vì không có pháp luật để răn đe và hệ thống công an lấy nghề bảo kê làm chính. Tại bến xe Kim Mã, các con nghiện đua nhau vạch quần ra mà chích, cầm lấy kim tiêm mà rượt đuổi bảo vệ bến xe (báo VNexpress). Đó là vì nhân dân đang sợ cho riêng cá nhân họ. Họ sợ chính phủ như sợ một con nghiện ma túy. Vừa cực đoan, hãi hùng lại vừa canh cánh, sát sườn đối với mỗi người dân.
Thứ sáu: Chính Phủ Việt Nam giống hệt một con nghiện vì đang mất khả năng miễn dịch. Chuyện thường thấy nhất ở con nghiện là chết bởi bệnh AIDS vì bị suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Tại vì nó hay dùng kim tiêm chung với nhau và quan hệ tình dục bừa bãi, theo ngẫu hứng. Điều đó giống như Chính phủ thích dùng bạo lực trong khi không thật cần thiết. Họ thích tự kích thích chơi cho vui, nổ súng cho vui, lấy nhân dân làm thí nghiệm cho vui. Con nghiện cũng thường quan hệ tình dục với nhiều người, hầu hết là với gái điếm. Chính phủ ta cũng vậy, hay chơi với điếm, chửi đứa Trung Hoa chán rồi bây giờ lại vơ nó vào nhà, đặt lên bàn thờ trang trọng. Hiện nay thì AIDS chưa có thuốc chữa. Chính phủ ta đã nhiễm HIV từ những năm 90 của thế kỷ trước và đang chuyển sang giai đoạn AIDS. Tùy thuộc vào từng bệnh nhân nhưng thông thường bệnh nhân AIDS chỉ có thể sống lâu nhất là 10 năm.
Còn muốn chủ động rút ngắn thời gian đó để ngăn chận lây lan những di hại lâu dài của nó, thì, hoặc là Nhân dân phải đưa giúp Chính phủ vào trại cai nghiện cô lập, hoặc là phải thay thế nó bằng một Chính phủ lành mạnh. Có khi là cả hai, cùng lúc. Hãy cùng nhau chủ động giành quyền chọn lựa đội ngũ quyết định sự thăng tiến của con người và sự phát triển của đất nước.
* Lê Trực là 1 cán bộ từng làm việc nhiều năm qua nhiều chức vụ khác nhau ở cấp Bộ của Chính phủ trong lãnh vực bài trừ ma tuý, và từng tham dự nhiều lần trong các phái đoàn VN công tác tại nước ngoài từ năm 1987.
Lời Mẹ Dặn (CT8)
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi … trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật
- Mẹ ơi, chân thật là gì ?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét,
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất ?
Nhớ lời mẹ, tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay, tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá