05 tháng 12, 2004
Trích Dẫn hay Minh Họa? (CT7)
Lưu Tấn Đông
Xưa, dưới thời quân chủ phong kiến, những văn kiện thường bắt đầu hay kết thúc bằng các điển cố từ nhiều thế kỷ trước. Nhan nhản những Nghiêu, Thuấn, Trụ, Kiệt…. Không thiếu những “Ngũ kinh Tứ truyện”, “Triệu thả phạt Yên”, “Tê thủ Mã phục”… mà chẳng rõ bao người đã biết?
Nay, trong thời quá độ lên tư bản chủ nghĩa có định hướng xóa đói giảm nghèo của thế kỷ 21, các văn kiện, tham luận, xã luận… chúng ta thường thấy cũng vẫn bắt đầu hay kết thúc bằng những điển cố có khi từ hơn 100 năm trước. Vẫn nhan nhản những Mác, Lê, Mao, Đặng…. Vẫn không thiếu những Tư Bản Luận, những Toàn Tập quyển X trang Y… mà nào hay mấy kẻ quan hoài?
Lại thường thấy một phương cách “sáng tạo thời đại” khá thông dụng: Trích dẫn nghị quyết. Hãy thử lướt qua bài viết của một vị TS, Giảng viên Đại học Đông Đô, đã đăng trên TCCS gần đây.
Dòng đầu tiên: “Nghị quyết Đại hội IX của Đảng khẳng định: …”.
Dòng thứ nhì: “Tư tưởng đó đã được thể chế hóa trong Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 như sau: …”.
Dòng thứ ba: “Việc nhấn mạnh nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đáng tiếc, không phải chỉ từ chỗ đảng ta tự “khẳng định”, được người viết dẫn tới chỗ đảng ta tùy nghi “thể chế hóa” thành Hiến Pháp Quốc Gia. Bởi vì chóng chầy, dù có muốn hay không, nó cũng sẽ được thay đổi.
Đáng tiếc hơn là lối trích dẫn để ca tụng này được coi là mẫu mực tiêu biểu cho những áng luận văn thời đại thường thấy. Nhan nhản những “nghị quyết khẳng định”, những “chỉ thị quy định”, những “sắc lệnh chỉ định”…
Thường thấy nhưng không thường đọc. Bởi vì, trích dẫn, ở đây không còn giữ chức năng nhằm làm sáng tỏ thêm luận ý mình đang trình bày. Trích dẫn, ở đây, đã trở thành phương cách làm sáng tỏ thêm tâm thức tùng phục của mình trước cái ý của người (hay nhóm người) được trích dẫn. Nó là minh họa. Nó không chỉ tô hồng chuốt lục cho điều được trích dẫn. Nó vẽ ra và tô đậm chính mình, trong tư thế cong lưng, cúi đầu, mỉm cười, chớp mắt. Nó là a dua. Nó làm đánh mất chính mình, một người “có chữ”. Nó là a tòng. Nó giúp chính mình toại nguyện là chui lẩn được vào đám đông biểu kiến. Nó là nguyên nhân đầu tiên và sau cùng làm cho những bài tham luận, xã luận trên dàn báo chí nước ta, từ bao giờ, đã biến thành những bản sao chép hay phóng ảnh của nhau: Một bài như mọi bài!
Thường thấy mà không thường đọc. Vì ngoài cái cung cách trích dẫn vừa kể, còn bởi giá trị phần nội dung của điều được trích dẫn nữa. Thời đại có cái lý của nó: Đã qua rồi, từ lâu, cái thời người Trung Hoa tưởng rằng nước mình nằm giữa một trái đất… phẳng, không khéo, đi quá chân trời là …té xuống hư vô. Đám đông cũng có cái lý của nó: Cái bao ny-lông lành lặn bươi từ đống rác, dù có thể đem về xài lại, thì cho dù có cố gắng mô tả độ trong mức sạch đến mấy, cũng không thể che dấu được xuất xứ của nó từ đống rác. Huống gì dùng nó để khẳng định là rác… sạch?
Điều đáng mừng là đảng ta đang trên đà khẳng định mặt đất phẳng hiện được vo dần theo định hướng hình cầu. Rồi ra, chẳng bao lâu, đám đông kia cũng sẽ có cách xử lý rác thải một cách khoa học và an toàn. Chỉ còn lo là cái thói quen minh họa a tòng trở thành tập quán di hại vừa nói hẳn cần nhiều thời gian hơn để gột tẩy trong tiến trình tìm lại chính mình ở mỗi người, trong hàng ngũ những người thuộc giới “cầm bút” đang được coi là “có tay mà không có mình”.
Các nhà văn lớn, đã lớn không nhờ vào việc thông ngôn hay lặp ý của người khác. Các bậc vĩ nhân không hề chờ đợi lời mình nói sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc cho bất kỳ ai. Họ chỉ đơn giản trình bày ý riêng của họ. Tư duy là ý nghĩ của mỗi người. Đảng ta không thể nào cáng đáng nổi chức năng của một xí nghiệp quốc doanh sản xuất tư duy đại trà. Ngược lại, phải chăng đã đến lúc để chúng ta cùng cất lời từ biệt các Trường Viết Văn, các Trại Sáng Tác… để nhìn lại chính mình? Rồi, phải chăng đã đến lúc để riêng từng người trong giới cầm bút ở nước ta định tâm nhìn lại độc giả cả nước: Vì sao mà họ thường thấy nhưng không thường đọc chúng ta?
Trong lúc báo Nhân Dân được dùng vào những việc không cần đọc, thì lại có hiện tượng nhân dân chuyền tay hay rỉ tai nhau về những bài viết không hề thấy đăng trên báo Nhân Dân. Khoan nói về những “Quan Điểm và Cuộc Sống”, “Khát Vọng Ngàn Đời”, “Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ”…. Hãy mừng là những tờ báo càng có khoảng cách với đảng ta lại càng đắt độc giả: Thanh Niên, Tuổi Trẻ v.v…. Hãy mừng là đã có những diễn đàn “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên”, “Trái Tim Việt Nam”…. Họ không viết vì tấm danh thiếp phục vụ cho cơ quan ngôn luận của đảng. Họ viết để phục vụ cho độc giả của họ. Quan trọng hơn cả, họ viết theo phần nào lương tâm và nhiệt huyết của họ đang ngày đêm mong chờ những thay đổi tốt đẹp hơn cho đất nước, cho dân tộc. Càng đáng mừng hơn là cái “phần nào” đó đang mỗi lúc lớn dần.
Danh thiếp nào rồi cũng phai. Khẩu hiệu nào rồi cũng nhạt. Chỉ có sự nghiệp canh tân để đất nước và dân tộc Việt Nam cất cánh mới khả dĩ trường tồn. Nên chăng, hãy dũng cảm cùng nhau thẳng người đứng dậy, vung cánh tay Trí Tuệ giả từ vĩnh viễn một nền luận văn minh họa ươn hèn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét