05 tháng 12, 2004
Thư Ngỏ Cuối Năm (CT7)
Năm 2004 sắp sửa trôi qua để lại trong ta nhiều ấn tượng nổi cộm. Thế giới tin học Việt Nam chấn động qua sự cố Trí Tuệ Việt Nam, giải thi đại diện cho tri thức và sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trong lãnh vực công nghệ thông tin, bị bôi đen thành Ăn cắp Trí tuệ bởi những người thắng giải nhất đã sao chép phần mềm của người khác để dự thi. Liên minh Hackers Việt Nam tấn công các website để đòi công lý. Hơn 60.000 phiếu bạn đọc và ý kiến khắp nơi tham gia "cuộc chiến". Từ Cầu Giấy, Hà Nội, bạn Trần Ngọc Giang đã phần nào nói lên quan điểm của nhiều bạn trẻ: "hoàn toàn ủng hộ đưa sự việc ra ánh sáng, mang lại niềm tin cho giới CNTT nói riêng và người Việt Nam nói chung. Nếu không, quả thực là một nỗi nhục lớn cho ngành CNTT Việt Nam và người Việt Nam.... Các anh, chị, bạn đã và đang đấu tranh cho sự nghiệp đòi công lý hãy chiến đấu đến cùng". Nhìn xa hơn, bạn Vũ Hoài Anh góp ý: "Là một sinh viên Việt Nam, tôi cảm thấy có cái gì đó đang đe doạ xã hội trong thập niên gần đây, nhiều tiêu cực không chỉ xuất hiện trong giáo dục làm cho chúng ta lo lắng về các thế hệ trẻ trong tương lai nay lại xuất hiện có dấu hiệu trong cuộc thi tầm cỡ quốc gia như TTVN....". Đón đầu đi tắt theo khuynh hướng thời đại đã bị thay thế bằng nửa đêm leo cổng đục tường. Như thế đấy, Trí tuệ Việt Nam trở thành cơn sốt cuối mùa.
Trước đó, mùa hè 2004 đã tỏa cơn nóng rát da, bỏng thịt xuống lãnh đạo đảng sau khi đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh gởi thư vạch trần những âm mưu tiêu diệt nhau giữa những đồng chí từng ở trong vai trò lãnh đạo đảng. Những bức thư mở màn cho vụ án chính trị T4 siêu nghiêm trọng trong lịch sử đảng mà thủ phạm đứng đầu là Lê Đức Anh, người từng giữ chức cực lớn: đại tướng, bộ trưởng quốc phòng, ủy viên bộ chính trị, chủ tịch nước. Mặc dù đã có rất nhiều nhà cách mạng lão thành gởi thư đến bộ chính trị yêu cầu làm sáng tỏ mọi chuyện, cung đình Hà Nội vẫn im lìm theo đúng bản chất của nền chính trị câm lặng và bí mật.
Tháng 11, đảng và nhà nước trải thảm đỏ bắt tay quốc vương và hoàng hậu Na Uy. Cùng lúc, Hà Nội chào đón nhân dân Na Uy qua màn hình TV2 bằng hình ảnh người thiếu nữ Tâm Anh, đảng viên đảng Việt Tân, bịt mặt, che mắt, nhưng trung thực nói lên khát vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam. Các bạn trẻ Hà Nội rủ nhau vào truy cập trang nhà Việt Tân để đồng cảm với người thiếu nữ nhỏ bé nhưng can đảm đối đầu với hệ thống công an, dù biết rằng sau vụ phóng viên đài truyền hình ABC của Australia phỏng vấn đảng viên Việt Tân trước đó vào tháng 7, mật vụ đã canh chừng cẩn mật nữ ký giả Anne Fredrikstad để phòng ngừa mọi tiếp cận không vui lòng đảng. Phần phỏng sự ngắn nhưng bật ra được hiện thực chính trị nước ta: một bên là đảng và nhà nước bày tỏ lòng mong muốn gia tăng giao dịch quốc tế nhưng luôn luôn bám chặt độc quyền toàn trị; một bên là những người đấu tranh dân chủ kêu gọi quốc tế ủng hộ những nỗ lực xây dựng tự do và nhân quyền tại Việt Nam.
Tháng 12 với Phương Nam - Đỗ Văn Hải dứt khoát chọn lựa con đường đấu tranh dân chủ công khai. Sau những tâm tư trải dài trên nhiều trang giấy với Việt Nam đất nước tôi, Việt Nam và sự đổi mới, Suy nghĩ về nhận thức lại, Viết về chủ tịch Hồ Chí Minh, Viết tiếp về nhận thức lại mà anh đã duyệt xét lại những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh Đông Dương, sự hình thành và tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới hiện nay và sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới...; ngày 10 tháng 12 anh đã chính thức gởi thư đến Quốc hội, Trung ương đảng với những nhận định dứt khoát: "Hễ chừng nào còn chế độ độc đảng trên đất nước ta thì chừng đó sự bất công, đói nghèo và tụt hậu càng trở nên sâu sắc và trầm trọng - Đó là điều khẳng định". Từ đó anh thẳng thắn đề nghị: "Vượt lên trên khó khăn hiện nay của đất nước, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hãy nghiên cứu, xem xét ý kiến đề nghị của tôi về một cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam. Trong đó, câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời là: Việt Nam nên hay không nên theo chế đa đảng? Nếu ai đồng ý thì ghi Có. Ai không đồng ý thì ghi Không.". Anh kết thúc lá thư tâm huyết của mình bằng câu nói của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh từ hơn 60 năm về trước: Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có.
Một năm lại sắp trôi qua. Cần bao nhiêu năm tháng trôi qua nữa để dân tộc tìm được chí hướng đi lên. Không thể chờ đợi hoài và vì không thể đợi chờ nên đã nhiều người lên tiếng nói. Canh Tân xin cùng bạn đọc giả từ 2004 với niềm hy vọng Trí tuệ Việt Nam sẽ thực sự hồi sinh, công lý sớm được phục hồi. Sửa soạn chào đón 2005 với lời chúc bình an đến Tâm Anh, Phương Nam và nhiều con người dũng cảm khác đang vươn mình đứng thẳng trước bạo lực và bất công, đang biến nghĩ suy về chí hướng của mình thành hành động, cho quê hương mình, nơi tổ tiên đã đổ bao xương máu để gìn giữ và vun bồi.
Nhóm Chủ Trương Canh Tân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét