05 tháng 12, 2004

Tự Do Trong Khuôn Khổ (CT7)


Vũ Quang

Thuở bé, nhà tôi có nuôi một con chim trong lồng. Tôi thường thích thú đứng ngắm nhìn chú chim nhảy qua nhảy lại trong cái lồng chật hẹp. Chim chẳng bao giờ bay. Và tôi thì không một chút thắc mắc nào cả. Lớn hơn một tí tôi được bố dắt đi chơi sở thú và thích đến xem chuồng chim bằng khung sắt to lớn hơn cái lồng chim nhỏ bé ở nhà. Nhìn những con chim trong chuồng được vươn cánh bay... vài thước thật lý thú hơn những bước tung tăng của con chim bé nhỏ trong lồng ở nhà. Và cũng không một chút gì thắc mắc trong tôi. Hè cuối bậc tiểu học, tôi theo mẹ về quê tắm giòng sông ngoại. Những buổi trưa hè êm ả, tôi thả hồn rong chơi theo những đám mây bồng bềnh và ngắm nhìn những bầy chim thư thả bay về cuối trời. Trong đầu óc non nớt tôi tự hỏi con chim nào vui sướng nhất nhỉ. Con chim trong lồng tre ở nhà được chăm sóc chu đáo? Con chim trong chuồng sắt rộng lớn ở sở thú được nuôi nấng đầy đủ, có bạn bè cùng tung tăng, được ngắm nhìn đám người lố nhố bên kia song sắt? Hay những con chim vô tư bay lượn chẳng cần ai chăm sóc? Tôi hỏi mẹ, mẹ ậm ừ bảo làm sao biết chim nghĩ gì. Năm tháng trôi qua và tôi đánh mất đâu đó cái suy tư của loài chim lúc nào không biết.

Thế giới thơ dại của tôi là xóm nhỏ với lũ trẻ cùng lứa nô đùa với ấu thơ, là viên bi, hòn sỏi, con diều biếc, là trường tiểu học gần nhà có cây đa già huyền bí, là thầy cô dịu hiền, là cha mẹ thân yêu. Biên giới của cái thế giới cỏn con đó là con đường lớn cách nhà chẳng đứa nào dám băng qua một mình. Ngày vào phổ thông cấp 2, tôi có được một chiếc xe đạp cọc cạch để cùng đám bạn mới lớn mở rộng thêm thế giới của mình qua khắp hang cùng ngõ hẹp của thành phố. Và cũng dừng ở đó. Thành phố là ốc đảo cho đến khi tôi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Những con đường quen thuộc ngày nào bỗng dưng trở nên chật hẹp, ngắn ngũi so với bước chân đầy vọng động của tuổi hai mươi. Tôi tiện tặn dành dụm tiền để làm những chuyến du hành đó đây trên các nẽo đường của đất nước thân yêu. Bước chân dài của tôi rồi lại phải dừng bước ở ven bờ cát trắng. Tôi phóng tầm nhìn của mình ra thế giới bên ngoài qua màn ảnh ti vi, qua trang báo điện tử thế giới và ước ao được một lần đứng giữa trời Âu, đất Mỹ.

Sống trong những niềm ao ước, hy vọng tôi lại hay chợt nghĩ đến những con chim thời thơ ấu. Bây giờ tôi biết chắc rằng những con chim bay lượn tự do là những con chim vui sướng nhất. Vì đó là bản năng sống tự nhiên của loài có cánh. Tôi biết chắc mẹ tôi ngày xưa cũng đã có câu trả lời khi mẹ ậm ừ với tôi với ánh mắt buồn buồn. Nhiều đêm trăn trở theo ngọn đèn đường mờ hiu hắt bên kia đường tôi suy tư đến tự do của con người. Tôi nghĩ đến sự tranh cãi về tự do của người Việt Nam chúng ta. Việt Kiều bảo Việt Nam thiếu tự do. Việt Cộng bảo tự do thiếu gì. Việt Kiều, Việt Cộng, ai là Việt Nam? Còn lại chỉ là tự-do-thiếu-thừa đã trở thành mối tranh cải sống chết giữa yêu nước và phản động.

Nhân dân Việt Nam có quyền tự do đến chùa, đến nhà thờ. Chùa, nhà thờ của ai thì là chuyện khác. Có quyền tự do cầu Phật, xin Chúa nhưng lại không được quyền tự do có tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền. Chỉ có trên đất nước anh hùng ta mới có sự khác biệt giữa tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo, giữa sư, cha thực sự và cha, sư quốc doanh. Dân Việt Nam ta có quyền tự do đi bầu: bầu cho bất cứ ai trong danh sách đã được đảng vinh quang họp bàn, định trước và được Mặt trận Tổ quốc nhắm mắt thông qua. Chỉ có trên đất nước anh hùng ta mới có 99% dân chúng đi bầu bằng sự chăm lo, đôn đốc của từng tổ trưởng dân phố và cái loa nhiệt tình đầu xóm. Báo chí truyền thông Việt Nam ta phong phú không kém một nước văn minh nào. Có đầy ra đó, báo bán, báo biếu, báo nhân dân gói cá lên mùi. Tự do nói đủ thứ điều, tố đủ thứ chuyện, duy chỉ không được tự do đụng đến những vấn đề nhạy cảm và những con người nhiều nhạy cảm.

Đại loại đất nước chúng ta là như thế đấy. Có đầy đủ tự do... trong khuôn khổ của lồng chim. Trong cái lồng sắt Việt Nam đó, có người cảm được biên giới chật hẹp, gò bó của nó, có người thì thấy nó rất rộng rãi vì chẳng nhìn thấy những song sắt vây quanh. Trong cái lồng chật-rộng-theo-từng-nhãn-quan đó tôi thấy tôi, thấy những con-người-sống-đã-chết, thấy những hồn ma lạ lẫm như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã chua chát khắc thành thơ:

Đến những người anh tin, giờ cũng đổi thay
Tới nụ cười cũng phải ... đắn đo
Vâng, người già có nỗi buồn của người già
Nhưng người trẻ có cái buồn chẳng trẻ.


Chẳng biết nói gì hơn là cám ơn đảng và nhà nước vinh quang đã trao tặng nhân dân những nỗi-buồn-già-trẻ.

Đêm nay tôi tự do ngồi một mình thầm thì nói chuyện với đầu gối của tôi về tự do. Ngọn đèn đường bên ngoài cửa sổ lúc tỏ lúc mờ nghiêng tai nghe ngóng. Đầu gối bên phải của tôi nhất quyết rằng nếu một người chỉ muốn tự do cho chính họ đến mức độ nào đó thôi thì đó là quyền của họ, không ai khác có quyền bắt người đó phải tự do hơn! Đầu gối bên trái lên giọng quả quyết: không ai có quyền cho rằng tự do như thế là đủ rồi và áp đặt mức độ tự-do-đủ-rồi đó lên mọi người. Ngọn đèn đường bên ngoài tỏ sáng xầm xập xen vào: quyền tự do của mỗi người trong xã hội phải do chính người dân tự quyết định một cách dân chủ, dựa vào sự hòa đồng, không phương hại đến người khác, có vậy xã hội mới có thể có hạnh phúc, mọi sự áp đặt đưa tự do vào khuôn khổ chỉ làm khổ tự do.

Tôi thở dài xót thương cho hai cái đầu gối, ngọn đèn đường và nhớ tới những dòng chữ của Dương Thu Hương. Mới đây thôi nhưng dường như đã đi vào quên lãng:
Không khát vọng nào phải trả giá đau đớn hơn tự do. Không thách đố nào khắc nghiệt hơn tự do. Người ta vừa thèm khát vừa khiếp sợ nó.

Thèm khát. Khiếp sợ. Tự do!

Như con chim nhỏ thơ ấu của tôi ngày xưa đã một lần thèm khát bay cao nhưng đôi cánh đã bất lực theo tháng ngày co cụm. Như con chim nhỏ thơ ấu của tôi ngày nào đã một lần lạ lẫm, khiếp sợ khi cánh cửa lồng hé mở. Và tôi, vẫn là kẻ thèm khát hay khiếp sợ trong bóng đêm tự do ?.

Không có nhận xét nào: