05 tháng 12, 2004
Thư Ngỏ Cuối Năm (CT7)
Năm 2004 sắp sửa trôi qua để lại trong ta nhiều ấn tượng nổi cộm. Thế giới tin học Việt Nam chấn động qua sự cố Trí Tuệ Việt Nam, giải thi đại diện cho tri thức và sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trong lãnh vực công nghệ thông tin, bị bôi đen thành Ăn cắp Trí tuệ bởi những người thắng giải nhất đã sao chép phần mềm của người khác để dự thi. Liên minh Hackers Việt Nam tấn công các website để đòi công lý. Hơn 60.000 phiếu bạn đọc và ý kiến khắp nơi tham gia "cuộc chiến". Từ Cầu Giấy, Hà Nội, bạn Trần Ngọc Giang đã phần nào nói lên quan điểm của nhiều bạn trẻ: "hoàn toàn ủng hộ đưa sự việc ra ánh sáng, mang lại niềm tin cho giới CNTT nói riêng và người Việt Nam nói chung. Nếu không, quả thực là một nỗi nhục lớn cho ngành CNTT Việt Nam và người Việt Nam.... Các anh, chị, bạn đã và đang đấu tranh cho sự nghiệp đòi công lý hãy chiến đấu đến cùng". Nhìn xa hơn, bạn Vũ Hoài Anh góp ý: "Là một sinh viên Việt Nam, tôi cảm thấy có cái gì đó đang đe doạ xã hội trong thập niên gần đây, nhiều tiêu cực không chỉ xuất hiện trong giáo dục làm cho chúng ta lo lắng về các thế hệ trẻ trong tương lai nay lại xuất hiện có dấu hiệu trong cuộc thi tầm cỡ quốc gia như TTVN....". Đón đầu đi tắt theo khuynh hướng thời đại đã bị thay thế bằng nửa đêm leo cổng đục tường. Như thế đấy, Trí tuệ Việt Nam trở thành cơn sốt cuối mùa.
Trước đó, mùa hè 2004 đã tỏa cơn nóng rát da, bỏng thịt xuống lãnh đạo đảng sau khi đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh gởi thư vạch trần những âm mưu tiêu diệt nhau giữa những đồng chí từng ở trong vai trò lãnh đạo đảng. Những bức thư mở màn cho vụ án chính trị T4 siêu nghiêm trọng trong lịch sử đảng mà thủ phạm đứng đầu là Lê Đức Anh, người từng giữ chức cực lớn: đại tướng, bộ trưởng quốc phòng, ủy viên bộ chính trị, chủ tịch nước. Mặc dù đã có rất nhiều nhà cách mạng lão thành gởi thư đến bộ chính trị yêu cầu làm sáng tỏ mọi chuyện, cung đình Hà Nội vẫn im lìm theo đúng bản chất của nền chính trị câm lặng và bí mật.
Tháng 11, đảng và nhà nước trải thảm đỏ bắt tay quốc vương và hoàng hậu Na Uy. Cùng lúc, Hà Nội chào đón nhân dân Na Uy qua màn hình TV2 bằng hình ảnh người thiếu nữ Tâm Anh, đảng viên đảng Việt Tân, bịt mặt, che mắt, nhưng trung thực nói lên khát vọng dân chủ của nhân dân Việt Nam. Các bạn trẻ Hà Nội rủ nhau vào truy cập trang nhà Việt Tân để đồng cảm với người thiếu nữ nhỏ bé nhưng can đảm đối đầu với hệ thống công an, dù biết rằng sau vụ phóng viên đài truyền hình ABC của Australia phỏng vấn đảng viên Việt Tân trước đó vào tháng 7, mật vụ đã canh chừng cẩn mật nữ ký giả Anne Fredrikstad để phòng ngừa mọi tiếp cận không vui lòng đảng. Phần phỏng sự ngắn nhưng bật ra được hiện thực chính trị nước ta: một bên là đảng và nhà nước bày tỏ lòng mong muốn gia tăng giao dịch quốc tế nhưng luôn luôn bám chặt độc quyền toàn trị; một bên là những người đấu tranh dân chủ kêu gọi quốc tế ủng hộ những nỗ lực xây dựng tự do và nhân quyền tại Việt Nam.
Tháng 12 với Phương Nam - Đỗ Văn Hải dứt khoát chọn lựa con đường đấu tranh dân chủ công khai. Sau những tâm tư trải dài trên nhiều trang giấy với Việt Nam đất nước tôi, Việt Nam và sự đổi mới, Suy nghĩ về nhận thức lại, Viết về chủ tịch Hồ Chí Minh, Viết tiếp về nhận thức lại mà anh đã duyệt xét lại những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh Đông Dương, sự hình thành và tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới hiện nay và sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới...; ngày 10 tháng 12 anh đã chính thức gởi thư đến Quốc hội, Trung ương đảng với những nhận định dứt khoát: "Hễ chừng nào còn chế độ độc đảng trên đất nước ta thì chừng đó sự bất công, đói nghèo và tụt hậu càng trở nên sâu sắc và trầm trọng - Đó là điều khẳng định". Từ đó anh thẳng thắn đề nghị: "Vượt lên trên khó khăn hiện nay của đất nước, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hãy nghiên cứu, xem xét ý kiến đề nghị của tôi về một cuộc Trưng cầu dân ý ở Việt Nam. Trong đó, câu hỏi duy nhất cần nhân dân Việt Nam trả lời là: Việt Nam nên hay không nên theo chế đa đảng? Nếu ai đồng ý thì ghi Có. Ai không đồng ý thì ghi Không.". Anh kết thúc lá thư tâm huyết của mình bằng câu nói của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh từ hơn 60 năm về trước: Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có.
Một năm lại sắp trôi qua. Cần bao nhiêu năm tháng trôi qua nữa để dân tộc tìm được chí hướng đi lên. Không thể chờ đợi hoài và vì không thể đợi chờ nên đã nhiều người lên tiếng nói. Canh Tân xin cùng bạn đọc giả từ 2004 với niềm hy vọng Trí tuệ Việt Nam sẽ thực sự hồi sinh, công lý sớm được phục hồi. Sửa soạn chào đón 2005 với lời chúc bình an đến Tâm Anh, Phương Nam và nhiều con người dũng cảm khác đang vươn mình đứng thẳng trước bạo lực và bất công, đang biến nghĩ suy về chí hướng của mình thành hành động, cho quê hương mình, nơi tổ tiên đã đổ bao xương máu để gìn giữ và vun bồi.
Nhóm Chủ Trương Canh Tân
Trích Dẫn hay Minh Họa? (CT7)
Lưu Tấn Đông
Xưa, dưới thời quân chủ phong kiến, những văn kiện thường bắt đầu hay kết thúc bằng các điển cố từ nhiều thế kỷ trước. Nhan nhản những Nghiêu, Thuấn, Trụ, Kiệt…. Không thiếu những “Ngũ kinh Tứ truyện”, “Triệu thả phạt Yên”, “Tê thủ Mã phục”… mà chẳng rõ bao người đã biết?
Nay, trong thời quá độ lên tư bản chủ nghĩa có định hướng xóa đói giảm nghèo của thế kỷ 21, các văn kiện, tham luận, xã luận… chúng ta thường thấy cũng vẫn bắt đầu hay kết thúc bằng những điển cố có khi từ hơn 100 năm trước. Vẫn nhan nhản những Mác, Lê, Mao, Đặng…. Vẫn không thiếu những Tư Bản Luận, những Toàn Tập quyển X trang Y… mà nào hay mấy kẻ quan hoài?
Lại thường thấy một phương cách “sáng tạo thời đại” khá thông dụng: Trích dẫn nghị quyết. Hãy thử lướt qua bài viết của một vị TS, Giảng viên Đại học Đông Đô, đã đăng trên TCCS gần đây.
Dòng đầu tiên: “Nghị quyết Đại hội IX của Đảng khẳng định: …”.
Dòng thứ nhì: “Tư tưởng đó đã được thể chế hóa trong Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 như sau: …”.
Dòng thứ ba: “Việc nhấn mạnh nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đáng tiếc, không phải chỉ từ chỗ đảng ta tự “khẳng định”, được người viết dẫn tới chỗ đảng ta tùy nghi “thể chế hóa” thành Hiến Pháp Quốc Gia. Bởi vì chóng chầy, dù có muốn hay không, nó cũng sẽ được thay đổi.
Đáng tiếc hơn là lối trích dẫn để ca tụng này được coi là mẫu mực tiêu biểu cho những áng luận văn thời đại thường thấy. Nhan nhản những “nghị quyết khẳng định”, những “chỉ thị quy định”, những “sắc lệnh chỉ định”…
Thường thấy nhưng không thường đọc. Bởi vì, trích dẫn, ở đây không còn giữ chức năng nhằm làm sáng tỏ thêm luận ý mình đang trình bày. Trích dẫn, ở đây, đã trở thành phương cách làm sáng tỏ thêm tâm thức tùng phục của mình trước cái ý của người (hay nhóm người) được trích dẫn. Nó là minh họa. Nó không chỉ tô hồng chuốt lục cho điều được trích dẫn. Nó vẽ ra và tô đậm chính mình, trong tư thế cong lưng, cúi đầu, mỉm cười, chớp mắt. Nó là a dua. Nó làm đánh mất chính mình, một người “có chữ”. Nó là a tòng. Nó giúp chính mình toại nguyện là chui lẩn được vào đám đông biểu kiến. Nó là nguyên nhân đầu tiên và sau cùng làm cho những bài tham luận, xã luận trên dàn báo chí nước ta, từ bao giờ, đã biến thành những bản sao chép hay phóng ảnh của nhau: Một bài như mọi bài!
Thường thấy mà không thường đọc. Vì ngoài cái cung cách trích dẫn vừa kể, còn bởi giá trị phần nội dung của điều được trích dẫn nữa. Thời đại có cái lý của nó: Đã qua rồi, từ lâu, cái thời người Trung Hoa tưởng rằng nước mình nằm giữa một trái đất… phẳng, không khéo, đi quá chân trời là …té xuống hư vô. Đám đông cũng có cái lý của nó: Cái bao ny-lông lành lặn bươi từ đống rác, dù có thể đem về xài lại, thì cho dù có cố gắng mô tả độ trong mức sạch đến mấy, cũng không thể che dấu được xuất xứ của nó từ đống rác. Huống gì dùng nó để khẳng định là rác… sạch?
Điều đáng mừng là đảng ta đang trên đà khẳng định mặt đất phẳng hiện được vo dần theo định hướng hình cầu. Rồi ra, chẳng bao lâu, đám đông kia cũng sẽ có cách xử lý rác thải một cách khoa học và an toàn. Chỉ còn lo là cái thói quen minh họa a tòng trở thành tập quán di hại vừa nói hẳn cần nhiều thời gian hơn để gột tẩy trong tiến trình tìm lại chính mình ở mỗi người, trong hàng ngũ những người thuộc giới “cầm bút” đang được coi là “có tay mà không có mình”.
Các nhà văn lớn, đã lớn không nhờ vào việc thông ngôn hay lặp ý của người khác. Các bậc vĩ nhân không hề chờ đợi lời mình nói sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc cho bất kỳ ai. Họ chỉ đơn giản trình bày ý riêng của họ. Tư duy là ý nghĩ của mỗi người. Đảng ta không thể nào cáng đáng nổi chức năng của một xí nghiệp quốc doanh sản xuất tư duy đại trà. Ngược lại, phải chăng đã đến lúc để chúng ta cùng cất lời từ biệt các Trường Viết Văn, các Trại Sáng Tác… để nhìn lại chính mình? Rồi, phải chăng đã đến lúc để riêng từng người trong giới cầm bút ở nước ta định tâm nhìn lại độc giả cả nước: Vì sao mà họ thường thấy nhưng không thường đọc chúng ta?
Trong lúc báo Nhân Dân được dùng vào những việc không cần đọc, thì lại có hiện tượng nhân dân chuyền tay hay rỉ tai nhau về những bài viết không hề thấy đăng trên báo Nhân Dân. Khoan nói về những “Quan Điểm và Cuộc Sống”, “Khát Vọng Ngàn Đời”, “Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ”…. Hãy mừng là những tờ báo càng có khoảng cách với đảng ta lại càng đắt độc giả: Thanh Niên, Tuổi Trẻ v.v…. Hãy mừng là đã có những diễn đàn “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên”, “Trái Tim Việt Nam”…. Họ không viết vì tấm danh thiếp phục vụ cho cơ quan ngôn luận của đảng. Họ viết để phục vụ cho độc giả của họ. Quan trọng hơn cả, họ viết theo phần nào lương tâm và nhiệt huyết của họ đang ngày đêm mong chờ những thay đổi tốt đẹp hơn cho đất nước, cho dân tộc. Càng đáng mừng hơn là cái “phần nào” đó đang mỗi lúc lớn dần.
Danh thiếp nào rồi cũng phai. Khẩu hiệu nào rồi cũng nhạt. Chỉ có sự nghiệp canh tân để đất nước và dân tộc Việt Nam cất cánh mới khả dĩ trường tồn. Nên chăng, hãy dũng cảm cùng nhau thẳng người đứng dậy, vung cánh tay Trí Tuệ giả từ vĩnh viễn một nền luận văn minh họa ươn hèn.
Thế Nào Là Một Nhà Lãnh Đạo Mạnh (CT7)
Lê Thanh
Tiếp theo những biến chuyển lớn lao vào cuối thế kỷ 20 với sự sụp đổ của thế giới cộng sản, sự chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh dai dẳng, sự bùng nổ của nền kỹ nghệ và văn minh tin học, sự hình thành những trật tự chính trị và kinh tế mới trong từng vùng và trên toàn cầu, nhân loại đã bắt đầu có những cái nhìn và đánh giá khác về những nhân vật lãnh đạo trên thế giới. Ngày hôm nay, tiêu chuẩn về một nhà lãnh đạo "mạnh" đã thay đổi rất nhiều so với nửa thế kỷ trước.
Nếu 50 năm trước một lãnh tụ mạnh được xem là người sẵn sàng sử dụng vũ khí, quân đội và các phương tiện bạo lực để đạt được điều mình mong muốn hoặc tiêu diệt điều mình không muốn, thì ngày hôm nay, nhân loại đã phân ra hai phạm vi hành xử tách bạch để đánh giá một nhà lãnh đạo: đó là đối ngoại và đối nội. Trong lãnh vực đối ngoại, các lãnh tụ mạnh là những người dám cưỡng lại các áp lực quốc tế khi quyền lợi quốc gia bị đe dọa và sẽ chống trả bằng biện pháp quân sự khi cần thiết. Ngược lại, trong việc đối nội, khi các lãnh tụ sẵn sàng sử dụng các phương tiện bạo lực hay thủ đoạn chính trị để đàn áp mọi thành phần đối lập hay quần chúng thì đều bị xem là chỉ dấu của yếu hèn chứ không phải là những người chỉ huy mạnh dạn hay can đảm. Thật vậy, thế giới ngày nay chỉ thấy sự khiếp nhược của cựu thủ tướng Mahathir của Mã Lai khi ông cho cảnh sát hành hạ và vu tội loạn dâm cho đối thủ chính trị; sự khiếp nhược của ban quân quản Miến Điện khi họ cho công an đàn áp và thực hiện những trò hạ cấp để cô lập lãnh tụ đối lập là bà Aung San Suu Kyi; sự khiếp nhược của cựu thủ tướng Lý Bằng ẩn núp đằng sau chiến xa và súng ống khi ra lệnh cho quân đội tàn sát hàng ngàn sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, v.v….
Một thí dụ ngược lại xảy ra vào tháng 6 năm 2004 khi tổng thống Eduard Shavanaze của nước Cộng Hòa Georgia, với quân lính và công an hoàn toàn nằm trong tay, vẫn quyết định từ chức khi dân chúng biểu tình phản đối kết quả bầu cử tái nhiệm ông. Từng là bộ trưởng ngoại giao của Liên Bang Sô Viết dưới thời tổng bí thư Gorbachev, ông Shavanaze biết rõ và dư thừa khả năng sử dụng bạo lực, nhưng thay vào đó, ông để lại một câu nói được cả thế giới kính phục: "Dù một giọt máu của người dân phải đổ ra chỉ vì cái ghế của tôi thì cũng là một giọt máu bị lãng phí".
Một lãnh tụ mạnh cũng phải là một lãnh tụ dám phục vụ nguyện vọng của nhân dân trong những trường hợp bị áp lực từ bên ngoài. Ông Đổng Kiến Hoa của Hồng Kông bị xem là loại thủ lãnh thừa thãi vì biết rất rõ ý dân nhưng không dám cãi lại những người bổ nhiệm ông từ Bắc Kinh. Ngược lại bà tổng thống Aroyo nhỏ bé của Philippines vẫn cương quyết rút đoàn quân 51 người của nước này ra khỏi Iraq bất kể những áp lực to lớn từ phía Hoa Kỳ và các nước trong Liên Quân. Lý do bà nhất định giữ quyết định này chỉ vì dân chúng tại Philippines muốn như vậy.
Một lãnh tụ mạnh cũng phải dám tiến hành các thay đổi cơ bản trong xã hội, sẵn sàng chấp nhận những giải pháp khó khăn nhưng đem lại lợi ích lâu dài cho dân tộc chứ không tuyên truyền và mị dân bằng những chính sách vá víu, nửa vời, qua loa để bám víu quyền lực. Như trường hợp của thủ tướng Megawati tại Indonesia. Cách đây vài năm bà được dân chúng ủng hộ hết lòng vì tin tưởng bà cũng theo bước thân phụ của bà và sẽ dám tạo nhiều thay đổi rộng lớn và mạnh bạo cho đất nước. Sau hai năm chờ đợi, dân chúng Indonesia đã kết luận bà không phải là một lãnh tụ mạnh mà chỉ là một chính khách sẵn sàng thỏa hiệp để giữ ghế cầm quyền.
Nói tóm lại, các lãnh tụ mạnh được nể phục trong thế giới ngày nay mang hai cách hành xử khá đối ngược. Đó là khi đối ngoại thì dám đương đầu với các áp lực quốc tế, nếu cần thì bằng quân sự; nhưng đối với quốc dân đồng bào, họ lại phải có lòng can đảm không núp sau các phương tiện bạo lực mà còn dựa vào nguyện vọng của đa số người dân để mạnh dạn tạo những thay đổi cơ bản cho đất nước. Người ta thấy hình ảnh những lãnh tụ này không những ở những nước thịnh vượng, giàu có mà cả ở những nước nghèo như Ấn Độ, Philippines, v.v...
Tại đất nước ta, tiếc thay, chúng ta chỉ thấy những cách hành xử ngược lại. Sức mạnh lãnh tụ không đến từ bản lãnh, khả năng và lòng yêu nước của cá nhân những người cầm quyền, không đến từ sự chọn lựa dân chủ và tín nhiệm của nhân dân, mà lại được bao che, bảo vệ bằng điều bốn hiến pháp, bằng nhà tù và súng ống, bằng sự tự khẳng định vai trò độc tôn tuyệt đối của đảng trong "sứ mệnh" lèo lái con thuyền quốc gia bất chấp kiến năng tụt hậu, kém cỏi. Trong lãnh vực đối ngoại, không biết các áp suất từ Bắc Kinh là bao nhiêu, nhưng đủ ba đời tổng bí thư của đảng đã sẵn sàng dâng nhượng cho Trung Quốc liên tiếp hàng trăm cây số vuông lãnh thổ Việt Nam, rồi hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải Việt Nam, rồi quyền lợi đánh cá của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. Trong lãnh vực đối nội, các lãnh đạo đảng lại tỏ ra cực kỳ cương quyết, sử dụng đủ loại biện pháp bạo lực và thẳng tay trừng trị mọi thành phần quần chúng có ý kiến khác đảng. Lãnh tụ của nước ta bao năm nay thực chất chỉ là các lãnh chúa của một nền phong kiến nối dài.
Hơn bao giờ hết, đất nước Việt Nam ta cần những người lãnh đạo "MẠNH", đúng nghĩa !
Tự Do Trong Khuôn Khổ (CT7)
Vũ Quang
Thuở bé, nhà tôi có nuôi một con chim trong lồng. Tôi thường thích thú đứng ngắm nhìn chú chim nhảy qua nhảy lại trong cái lồng chật hẹp. Chim chẳng bao giờ bay. Và tôi thì không một chút thắc mắc nào cả. Lớn hơn một tí tôi được bố dắt đi chơi sở thú và thích đến xem chuồng chim bằng khung sắt to lớn hơn cái lồng chim nhỏ bé ở nhà. Nhìn những con chim trong chuồng được vươn cánh bay... vài thước thật lý thú hơn những bước tung tăng của con chim bé nhỏ trong lồng ở nhà. Và cũng không một chút gì thắc mắc trong tôi. Hè cuối bậc tiểu học, tôi theo mẹ về quê tắm giòng sông ngoại. Những buổi trưa hè êm ả, tôi thả hồn rong chơi theo những đám mây bồng bềnh và ngắm nhìn những bầy chim thư thả bay về cuối trời. Trong đầu óc non nớt tôi tự hỏi con chim nào vui sướng nhất nhỉ. Con chim trong lồng tre ở nhà được chăm sóc chu đáo? Con chim trong chuồng sắt rộng lớn ở sở thú được nuôi nấng đầy đủ, có bạn bè cùng tung tăng, được ngắm nhìn đám người lố nhố bên kia song sắt? Hay những con chim vô tư bay lượn chẳng cần ai chăm sóc? Tôi hỏi mẹ, mẹ ậm ừ bảo làm sao biết chim nghĩ gì. Năm tháng trôi qua và tôi đánh mất đâu đó cái suy tư của loài chim lúc nào không biết.
Thế giới thơ dại của tôi là xóm nhỏ với lũ trẻ cùng lứa nô đùa với ấu thơ, là viên bi, hòn sỏi, con diều biếc, là trường tiểu học gần nhà có cây đa già huyền bí, là thầy cô dịu hiền, là cha mẹ thân yêu. Biên giới của cái thế giới cỏn con đó là con đường lớn cách nhà chẳng đứa nào dám băng qua một mình. Ngày vào phổ thông cấp 2, tôi có được một chiếc xe đạp cọc cạch để cùng đám bạn mới lớn mở rộng thêm thế giới của mình qua khắp hang cùng ngõ hẹp của thành phố. Và cũng dừng ở đó. Thành phố là ốc đảo cho đến khi tôi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Những con đường quen thuộc ngày nào bỗng dưng trở nên chật hẹp, ngắn ngũi so với bước chân đầy vọng động của tuổi hai mươi. Tôi tiện tặn dành dụm tiền để làm những chuyến du hành đó đây trên các nẽo đường của đất nước thân yêu. Bước chân dài của tôi rồi lại phải dừng bước ở ven bờ cát trắng. Tôi phóng tầm nhìn của mình ra thế giới bên ngoài qua màn ảnh ti vi, qua trang báo điện tử thế giới và ước ao được một lần đứng giữa trời Âu, đất Mỹ.
Sống trong những niềm ao ước, hy vọng tôi lại hay chợt nghĩ đến những con chim thời thơ ấu. Bây giờ tôi biết chắc rằng những con chim bay lượn tự do là những con chim vui sướng nhất. Vì đó là bản năng sống tự nhiên của loài có cánh. Tôi biết chắc mẹ tôi ngày xưa cũng đã có câu trả lời khi mẹ ậm ừ với tôi với ánh mắt buồn buồn. Nhiều đêm trăn trở theo ngọn đèn đường mờ hiu hắt bên kia đường tôi suy tư đến tự do của con người. Tôi nghĩ đến sự tranh cãi về tự do của người Việt Nam chúng ta. Việt Kiều bảo Việt Nam thiếu tự do. Việt Cộng bảo tự do thiếu gì. Việt Kiều, Việt Cộng, ai là Việt Nam? Còn lại chỉ là tự-do-thiếu-thừa đã trở thành mối tranh cải sống chết giữa yêu nước và phản động.
Nhân dân Việt Nam có quyền tự do đến chùa, đến nhà thờ. Chùa, nhà thờ của ai thì là chuyện khác. Có quyền tự do cầu Phật, xin Chúa nhưng lại không được quyền tự do có tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền. Chỉ có trên đất nước anh hùng ta mới có sự khác biệt giữa tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo, giữa sư, cha thực sự và cha, sư quốc doanh. Dân Việt Nam ta có quyền tự do đi bầu: bầu cho bất cứ ai trong danh sách đã được đảng vinh quang họp bàn, định trước và được Mặt trận Tổ quốc nhắm mắt thông qua. Chỉ có trên đất nước anh hùng ta mới có 99% dân chúng đi bầu bằng sự chăm lo, đôn đốc của từng tổ trưởng dân phố và cái loa nhiệt tình đầu xóm. Báo chí truyền thông Việt Nam ta phong phú không kém một nước văn minh nào. Có đầy ra đó, báo bán, báo biếu, báo nhân dân gói cá lên mùi. Tự do nói đủ thứ điều, tố đủ thứ chuyện, duy chỉ không được tự do đụng đến những vấn đề nhạy cảm và những con người nhiều nhạy cảm.
Đại loại đất nước chúng ta là như thế đấy. Có đầy đủ tự do... trong khuôn khổ của lồng chim. Trong cái lồng sắt Việt Nam đó, có người cảm được biên giới chật hẹp, gò bó của nó, có người thì thấy nó rất rộng rãi vì chẳng nhìn thấy những song sắt vây quanh. Trong cái lồng chật-rộng-theo-từng-nhãn-quan đó tôi thấy tôi, thấy những con-người-sống-đã-chết, thấy những hồn ma lạ lẫm như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã chua chát khắc thành thơ:
Đến những người anh tin, giờ cũng đổi thay
Tới nụ cười cũng phải ... đắn đo
Vâng, người già có nỗi buồn của người già
Nhưng người trẻ có cái buồn chẳng trẻ.
Chẳng biết nói gì hơn là cám ơn đảng và nhà nước vinh quang đã trao tặng nhân dân những nỗi-buồn-già-trẻ.
Đêm nay tôi tự do ngồi một mình thầm thì nói chuyện với đầu gối của tôi về tự do. Ngọn đèn đường bên ngoài cửa sổ lúc tỏ lúc mờ nghiêng tai nghe ngóng. Đầu gối bên phải của tôi nhất quyết rằng nếu một người chỉ muốn tự do cho chính họ đến mức độ nào đó thôi thì đó là quyền của họ, không ai khác có quyền bắt người đó phải tự do hơn! Đầu gối bên trái lên giọng quả quyết: không ai có quyền cho rằng tự do như thế là đủ rồi và áp đặt mức độ tự-do-đủ-rồi đó lên mọi người. Ngọn đèn đường bên ngoài tỏ sáng xầm xập xen vào: quyền tự do của mỗi người trong xã hội phải do chính người dân tự quyết định một cách dân chủ, dựa vào sự hòa đồng, không phương hại đến người khác, có vậy xã hội mới có thể có hạnh phúc, mọi sự áp đặt đưa tự do vào khuôn khổ chỉ làm khổ tự do.
Tôi thở dài xót thương cho hai cái đầu gối, ngọn đèn đường và nhớ tới những dòng chữ của Dương Thu Hương. Mới đây thôi nhưng dường như đã đi vào quên lãng:
Không khát vọng nào phải trả giá đau đớn hơn tự do. Không thách đố nào khắc nghiệt hơn tự do. Người ta vừa thèm khát vừa khiếp sợ nó.
Thèm khát. Khiếp sợ. Tự do!
Như con chim nhỏ thơ ấu của tôi ngày xưa đã một lần thèm khát bay cao nhưng đôi cánh đã bất lực theo tháng ngày co cụm. Như con chim nhỏ thơ ấu của tôi ngày nào đã một lần lạ lẫm, khiếp sợ khi cánh cửa lồng hé mở. Và tôi, vẫn là kẻ thèm khát hay khiếp sợ trong bóng đêm tự do ?.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)