05 tháng 9, 2004
Từ Màn Sắt Tới Tường Lửa (CT4)
Lưu Tấn Đông
Trong cuốn phim "Jakob, Kẻ Nói Dối" (Jakob the Liar), nhân vật chính Jakob, một tù nhân Do Thái trong trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Ba Lan, tình cờ được vào phòng làm việc của một sĩ quan quản giáo người Đức. Giữa cơn đói triền miên, Jakob định nhón một mẩu khoai tây trên bàn, nhưng chợt nghe một bản tin từ cái radio để sát tường. Cơn đói bụng bị cơn đói tin đánh quỵ. Jakob nhìn lên bản đồ, định vị những điểm tiến quân của Hồng quân Xô Viết vào biên giới Ba Lan, rồi mang mẩu tin ngắn đó về lán. Từ đó, Jakob tự chế tạo và thậm chí thổi phồng những ước mơ riêng của mình thành những bản tin tưởng tượng để nuôi dưỡng niềm hy vọng của tù nhân về một ngày tự do. Kết quả là ý chí thành lập tổ kháng cự của các bạn đồng tù. Thế mới biết giá trị của món ăn tinh thần cao gấp bội lần những món ăn vật chất.
Sau giai đoạn phát xít Đức, Ba Lan và các quốc gia Đông Âu bị cuốn vào quỹ đạo XHCN. Chính sách tem phiếu và bức màn sắt phủ chụp toàn bộ hệ thống kinh tế và thông tin: cả ngũ cốc lẫn thức ăn tinh thần đều bị gói gọn trong tay đảng. Ngũ cốc được ban phát ít nhiều như một loại ân sủng, nhưng tin tức thì không. Dưới chế độ quản lý nghiêm nhặt bao tử và não bộ, nhân dân đã không tin nhau và không biết tin tức về nhau. Cho tới khi Công Đoàn Đoàn Kết vượt rào, Ba Lan dậy sóng, giật sập các loại màn sắt màn tre, đạp đổ bức tường Bá Linh, kéo theo sự tan rã của Quốc tế III sau đó.
Các bức màn sắt màn tre còn sót lại ở VN cũng cùng chung số phận trước sự nhanh nhạy của hệ thống thông tin quán cóc, xe ôm và hớt tóc dạo. Nhanh nhạy hơn cả là những café internet. Nguyên ủy viên trung ương Trần Hồng Quân đã từng hỏi khó Mai Chí Thọ: “Tôi thấy gần đây dường như Ðảng ta có phần chặt chẽ hơn, hẹp hòi hơn, độc quyền hơn. Có phải chăng ta thiếu tự tin ở chân lý của mình, thiếu tự tin ở bản lĩnh chính trị của mình?”. Từ bấy, nhu cầu cấp thiết của đảng ta là những bức tường lửa internet. Lý cớ chính thức là để chống văn hóa đồi trụy. Lý cớ nội bộ là để giữ ổn định chính trị. Các trang Web “phản động” lần lượt bị chận: rfa.com, fva.org, mangluoi.net, mylinh.us,... Mới đây là diễn đàn văn học talawas.com. Đối thoại về văn học cũng là “phản động” ở thời đại này.
Tất nhiên, cán bộ Ban Tư Tưởng-Văn Hóa đều có mật khẩu để nhập mạng. Tất nhiên, nhân dân cũng có muôn ngàn ngỏ ngách để vượt tường. Thời dựng thành Cổ Loa, dân ta đã ngày xây đêm phá, thì hackers VN ngày nay có mấy khi ngồi đó khoanh tay? Hệ quả là hẽm nhỏ www.proxify.com bật đèn. Hầm chui www.chaoga.com náo nhiệt, rẻ gấp bội lần hầm chui Văn Thánh. Còn nữa. Còn hứa hẹn thêm những chaohuyet.com, chaolong.com… Mới biết ra, hễ có tường thì tất yếu có cách vượt tường.
Nhìn ngược lại, rõ ràng, Cải Cách Ruộng Đất là chính sách khuyến khích tội ác; Hợp Tác Xã là mô hình đề cao tính trây lười; Tem Phiếu là phương thức phát huy tinh thần ỷ lại; Tiêu Diệt Tư Sản là kế hoạch đẩy dân vượt biên vượt biển; Ngăn Sông Cấm Chợ là cha đẻ của buôn lậu, từ xuyên ranh giới huyện tới xuyên biên giới nước; Ổn Định Chính Trị là chính sách vinh danh bạo lực, dưỡng mẫu của nạn bảo kê... Hôm nay, Tường Lửa Internet cũng là thứ chính sách ngu dân và khuyến khích nhân dân leo tường, vượt cổng. Có nghĩa rằng, đi từ chính sách triệt tiêu tính người thời Cải Cách Ruộng Đất, Đảng và Nhà Nước ta đã đổi mới và tiến lên chính sách khuyến khích và điều kiện hóa cho nhân dân sống phi pháp. Để chi ? Còn gì nếu không phải chỉ để bảo vệ một chế độ vốn dĩ thoát thai từ hai yếu tố phi nhân và phi pháp? Vạn Lý Trường Thành cũng từng được xây dựng trên hàng triệu xác dân, để bảo vệ chế độ, nhân danh bảo vệ bờ cõi, như thế đấy.
Các vì vua hôn ám thời đó chỉ không thấy ra rằng về sau này, bức tường chỉ còn mang ý nghĩa của một tụ điểm du lịch. Giá trị kỳ quan của nó chỉ còn thu gọn vào một câu: nhất tướng xây thành, vạn cốt khô. May mà nhân loại có dịp chiêm ngưỡng một công trình để đời vào cuối thế kỷ 20: Bức tường Bá Linh ô nhục đã sụp đổ mà không tốn một viên đạn, một giọt máu. Mới hay là đúng, sức tiến của nhân loại trong thế kỷ qua đã sánh ngang bằng sức tiến của cả 19 thế kỷ trước gộp lại. Thế thì, khi màn sắt đã chảy, màn tre đã cháy, liệu tường lửa của thời đại kỹ thuật hôm nay đứng vững bao lâu? Chẳng thế mà nguyên ủy viên BCT Mai Chí Thọ than rằng: “chẳng bao lâu nữa, Đảng mất quyền lãnh đạo”. Còn thành ủy viên kiêm trưởng ban tuyên huấn TPHCM Dương Đình Thảo thì khẳng định rằng: “Bây giờ nó có những cái chuyển biến là không lường trước được”. Các vì vua hôn ám thời nay cũng chưa chắc đã thấy ra tác dụng ngược của những mô hình chính sách tuyên dương nếp sống phi pháp hiện giờ. Hãy dẹp ngay bức tường vô năng vô hiệu đó để mọi người cùng sống ngay thẳng với nhau. Hãy dẹp ngay tường lửa để dọn đường hòa nhập cùng thế giới văn minh, trước khi gia nhập WTO. Hãy dẹp ngay tường lửa để các xa lộ thông tin có cơ thắp sáng trí tuệ của toàn thể nhân dân VN.
Canh Tân Con Người Trong Tiến Trình Xây Dựng Đất Nước (CT4)
Trần Thiên Ân
Phần một: Canh Tân Con Người trong Lịch Sử Việt Nam Cận Đại
Sự thua kém quá xa của Việt Nam so với Pháp và sự thất bại của quân ta trước lực lượng Pháp vào thế kỷ thứ 19 đã làm ông Nguyễn Trường Tộ dâng sớ lên triều đình xin canh tân, học hỏi người ngoài để đất nước có thể phát triển và tồn tại. Ông cũng đề nghị những phương cách để thu hồi tự chủ. Đề nghị này đã bị bác. Vì tinh thần cổ hủ của vua quan cũng có, nhưng cũng vì mối lo sợ bị nô lệ hoàn toàn khi đối tượng chính để học hỏi là Pháp, một nước đang thôn tính và chiến thắng nước ta. Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Tộ là người “khó có thể tin được”, bởi triều đình thời đó. Vì ông theo đạo Thiên chúa và được các giáo sĩ Pháp bảo trợ cho đi Pháp du học, từng làm thông ngôn cho các đô đốc hải quân Pháp. Cho nên kế hoạch canh tân của người Thiên chúa giáo yêu nước này đã bị vất bỏ.
Sau khi Pháp hoàn toàn làm chủ nước ta, vì sự thất bại của các phong trào Cần Vương, các nhà yêu nước đã bừng tỉnh thấy rằng không thể nào đấu tranh giành độc lập nếu trình độ khoa học kỹ thuật quá thấp kém. Hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã là những người cổ võ tinh thần cầu học đổi mới. Năm 1904, cụ Phan Bội Châu bí mật lập Duy Tân Hội. Hai cụ Phan đã sát cánh với nhau, tán thành việc phổ biến một nền giáo dục phổ thông bằng cách dùng chữ quốc ngữ, kêu gọi thành lập các hội đoàn để phát triển thương mại, thủ công và kỹ nghệ bản xứ, đồng thời mở các lớp học trong công xưởng. Từ năm 1906, tổ chức ngầm những cuộc du học sang Nhật (phong trào Đông Du). Năm 1907 Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập tại Hà Nội, dùng chữ quốc ngữ để dạy học trò những kiến thức mới. Các thầy giáo tự bỏ bộ quần áo cổ truyền bằng lụa Tàu mà mặc âu phục, bỏ búi tóc mà cắt tóc ngắn theo kiểu Tây. Cụ Phan Bội Châu tiếp tục theo chế độ quân chủ, quay sang Nhật là nước đã canh tân thành công để học hỏi và tìm đồng minh. Cụ Phan Chu Trinh dè dặt cho rằng chủ trương dùng Nhật đuổi Pháp là nguy hiểm. Vì "một khi quân Nhật vào thì có thể sẽ khó mà đuổi họ ra". Sau khi Nhật ký hiệp ước thương mại với Pháp, trục xuất cụ Phan Bội Châu và các du học sinh ra khỏi Nhật năm 1909, thì cụ Phan chu Trinh không còn cùng hướng hoạt động với cụ Phan Bội Châu nữa. Sang Tàu ở, cụ Phan Bội Châu tiếp tục con đường đấu tranh võ trang. Nhiều du học sinh theo cụ được gửi vào học trường võ bị Hoàng Phố. Cụ Phan Chu Trinh ở Việt Nam theo hướng xây dựng một nước cộng hòa, chống triều đình tham nhũng thối nát, đấu tranh ôn hòa với người Pháp, đòi họ phải thực thi các điều cao đẹp của khẩu hiệu chính trị "Khai Hóa Việt Nam".
Trong nỗ lực kêu gọi đổi mới đất nước, cụ Phan Chu Trinh đã nhận ra một cản trở quan trọng là cái ì tính của quần chúng. Đây là phản ảnh tâm thức của một xã hội nông nghiệp không muốn thay đổi, không có tinh thần mạo hiểm và là phản ảnh đặc tính của đa số quần chúng, nói chung ngại sự bất ổn. Vì thế mà cụ Phan đã phải đưa ra những khẩu hiệu và phong trào vận động quần chúng cắt tóc, thay đổi y phục. Các thầy gíáo dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục đã cắt tóc và mặc âu phục để làm gương là vì như vậy. Những vận động đổi mới này đã được tiếp tục trong các sách báo quốc ngữ, nhưng với những xu hướng chính trị khác nhau. Tạp Chí Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương là của các người đổi mới trên tinh thần hợp tác với Tây và triều đình. Các báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đổi mới trong cách sống, thiên về hướng đấu tranh v.v...
Một nhân vật đặc biệt ngoài hai cụ Phan là Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh. Ông Hồ là người thành công trong khi tất cả những nhà yêu nước khác đều thất bại. Tại sao ông Hồ đặc biệt? Trong lá thư gửi cho tổng thống cộng hòa Pháp ngày 15 tháng 9 năm 1911 để xin vào học trường thuộc địa, khi làm phụ bếp trên tàu Latouche Trevilliers, ông Hồ ký tên là Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1892, con ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bày tỏ ý muốn đổi mới như sau: "Tôi hoàn toàn không có nguồn kiếm sống và rất ham học hỏi. Tôi ước mong trở thành hữu ích cho nước Pháp trước đồng bào tôi và cũng đồng thời muốn cho đồng bào tôi được hưởng những lợi ích mà học vấn đem lại". (Je suis entièrement dénué de ressources et avide de m'instruire. Je desirerais devenir utile à la France vìs a vìs de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter les bienfaits de l'instruction)". Lá thư đã bị vất xó. Sau đó ông Hồ đã làm các nghề mọn kiếm sống ở Pháp và liên lạc hoạt động với nhóm cụ Phan Chu Trinh, dầu ông ít tuổi hơn nhiều. Qua thư này có thể nói rằng ông Hồ mới đầu có ước vọng làm quan cho Pháp để giáo hóa dân. Tương tự như nhóm Phạm Quỳnh. Việc không thành, đưa đẩy ông vào đảng Cộng sản Pháp và đã nói lên con đường đổi mới dân tộc bằng câu sau đây "Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi trong buồng một mình mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Tóm tắt, ông Hồ chủ trương canh tân con người Việt Nam bằng chủ nghĩa Cộng sản. Nói khác đi là thay thế những quan điểm văn hóa cổ truyền tam giáo Khổng-Lão-Phật lâu đời và những tư tưởng tự do dân chủ Tây phương mới du nhập, bằng quan điểm Mác Lenin Stalin, Mao Trạch Đông mà hình ảnh được trưng bày một cách tôn kính trong các dịp lễ hội. Sau khi chiếm được chính quyền năm 1945, ông Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh sự đổi mới tóm gọn bằng khẩu hiệu "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa". Trên lý thuyết đã có nhiều giải thích các đặc tính con người mới xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế đã có những biện pháp nghiêm khắc để đào tạo con người này. Nhưng sau trên nửa thế kỷ xây dựng thì khẩu hiệu "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa" của ông Hồ vẫn còn đang được nhắc lại.
Vì thế không thể chối bỏ được rằng canh tân con người vẫn là yêu cầu ngày hôm nay của dân tộc Việt Nam.
Trong số tới, xin mời các bạn đón xem phần hai: Canh Tân Con Người trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại.
Singapore và Bài Học Phát Triển (CT4)
Vũ Thạch
Đối với nhiều ngưòi, Singapore đồng nghĩa với Lý Quang Diệu, người sáng lập đảo quốc này và thực chất vẫn nắm quyền cai trị tối hậu tại đây. Trong lúc Singapore được hâm mộ vì chỉ trong 4 thập niên đã vươn lên hàng Tứ Hổ Châu Á, thì ông Lý Quang Diệu được đón rước như bậc thầy tại Bắc Kinh và Hà Nội, nhờ thành tích quản trị khắt khe mà xã hội vẫn giàu lên. Chúng ta thử tìm hiểu sâu hơn xem người Việt nên bắt đầu từ bài học nào và làm sao áp dụng.
Singapore là một đảo quốc nằm ở tận cùng phía Nam của Mã Lai, diện tích vỏn vẹn 640 cây số vuông (tương đương với đảo Phú Quốc). Sau nhiều cuộc đụng độ chủng tộc đẫm máu, Singapore chính thức tách ra khỏi Mã Lai thành một nước độc lập vào năm 1965 với dân số khoảng 2 triệu người. Đa phần là người gốc Hoa. Ngay từ lúc thành lập, Singapore phải đối diện với nhiều mối nguy sinh tử. Anh Quốc rút dần lực lượng bảo vệ về nước. Mã Lai và Indonesia liên tục đe dọa nền tự chủ. Xung đột chủng tộc và tôn giáo lúc nào cũng có thể bộc phát. Nguy hiểm nhất là nỗ lực của đảng cộng sản tìm mọi cách tạo bất ổn để lật đổ chính quyền. Trong nhu cầu sống còn, chính phủ Lý Quang Diệu bắt buộc phải xiết chặt xã hội và nắm mọi cửa ngõ kinh tế. Một trong những nỗ lực chính yếu đầu tiên là loại trừ đảng Barisan Xã Hội Chủ Nghĩa và đảng Cộng Sản Mã Lai (đang nhận lệnh và tài trợ từ Bắc Kinh nhằm lật đổ chính phủ để thiết lập nền chuyên chính vô sản) ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả là chính người dân Singapore biết rõ những mối đe dọa đang bao vây và đồng lòng ủng hộ các chính sách khắt khe của chính phủ.
Cùng với thành công trong nỗ lực ổn định xã hội, nền kinh tế Singapore cũng tăng vọt. Tổng sản lượng nội địa (GDP) theo đầu người tăng từ 400 USD năm 1965 lên 22.330 USD năm 2003. Tác nhân chính trong nền kinh tế Singapore là loại công ty có gạch nối với chính quyền. Đây không hẳn là loại công ty quốc doanh nhưng lại luôn theo sự định hướng của nhà nước và được hưởng nhiều nâng đỡ từ phía chính phủ. Những đại công ty này có mức tăng trưởng tương đối chậm và mức độ chấp nhận rủi ro thấp. Thành phần các công ty tư nhân nhỏ và hoàn toàn độc lập không được chính phủ lưu tâm khuyến khích. Nói cách khác, nhà nước không ngăn cấm nhưng không khuyến khích các sinh hoạt kinh tế ngoài định hướng.
Về mặt xã hội, giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu. Quyết định dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong trường học thay vì tiếng Hoa cho thấy tính thực dụng của chính phủ. Hầu hết các dịch vụ liên quan đến đời sống người dân đều được chính phủ cung cấp gần như miễn phí. Tuy vậy, các sinh hoạt xã hội, đặc biệt là các sinh hoạt có hơi hướm chính trị đều bị kiểm soát chặt chẽ. Cho đến nay báo chí vẫn bị cấm không được bình phẩm hay đăng các tin không thuận lợi về chính phủ hay lãnh đạo. Mọi cuộc tụ họp chính trị không được tổ chức ngoài trời. Và hiện nay, quốc hội chỉ có 2 dân biểu được xem là đối lập.
Về hệ thống cai trị, ông Lý Quang Diệu giữ ghế thủ tướng từ 1965, ông Ngô Tác Đống từ 1990 và con trai ông Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long từ ngày 12/8/2004. Cả ba thuộc đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) và hiện đều đang ngồi trong nội các. Nói chung, chính quyền Singapore sẽ tiếp tục chính sách bảo thủ trong các vấn đề xã hội, kinh tế và không chấp nhận sự cạnh tranh chính trị với đảng cầm quyền. Dân chúng đa phần không biết nhiều về các nhân vật lãnh đạo hay những tính toán, vận hành lớn đằng sau chính trường.
Nhìn kỹ vào cách vận hành chính trị tại Singapore cho thấy thực chất chế độ tại đây là một triều đại phong kiến với một vị minh quân biết chăm lo cho dân cho nước, một người cha nghiêm khắc nhưng lo liệu mọi bề, kể cả quyết định tương lai cho con cái. Điều hiển nhiên mà mọi người phải công nhận là chính mô thức cai trị này đã đưa Singapore vượt qua giai đoạn hiểm nghèo ban đầu. Nó có khả năng tập trung sức lực quốc gia vào một số mục tiêu giới hạn và đạt tới những mục tiêu đó khá nhanh chóng. Ngoài ra, với những dịch vụ xã hội dồi dào từ chính phủ, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tương đối thấp. Với một guồng máy trong sạch tối thiểu, mô thức này đã chứng tỏ mức hiệu quả không thể chối cãi, ít ra là cho đến nay.
Câu hỏi được đặt ra là mô thức này sẽ đưa Singapore đi bao xa nữa. Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan đều áp dụng công thức này trước Singapore, đều đã nhận ra các nhược điểm trầm trọng của nó, và đều phải cải tổ. Trước hết về kinh tế, có hẳn đây là công thức phát triển kinh tế tối hảo chăng? Hồng Kông là phần đất có quá trình lịch sử, đặc tính địa dư và dân số rất gần với Singapore. Tuy nhiên Hồng Kông mở rộng chính sách kinh tế tự do cho mọi thành phần. Kết quả là mặc dù động lượng phát triển đã giảm sút trong những năm gần đây, GDP của Hồng Kông hiện tại vẫn gấp đôi Singapore. Một nhược điểm nghiêm trọng khác là cách quyết định sau hậu trường và các móc ngoặc giữa nhà nước và các đại công ty đã sản sinh những ung thối tham nhũng tràn lan. Cả Nhật Bản và Nam Hàn đều phải truy tố và thay thế 4, 5 vị thủ tướng liên tiếp trong nhiều năm vì có thành tích tham nhũng. Hiện tượng này chưa hiện lên tại Singapore chỉ vì tại đây chưa có cánh đối lập, chưa có truyền thông độc lập và ảnh hưởng của Lý Quang Diệu vẫn còn. Nhược điểm khác là mục tiêu của chính quyền không còn là mục tiêu của dân chúng nữa trong tiến trình phát triển chung. Nói cách khác, khi giai đoạn khó khăn đã qua, lý do duy trì một chế độ hà khắc để vượt qua hiểm nguy không còn nữa mà chỉ để duy trì chế độ, thì người dân không có một cơ chế hợp pháp để thay thế chính phủ trong hòa bình và ổn định.
Tóm lại, mặc dù mang đầy đủ dáng vẻ của một nền cộng hòa, ngay từ cốt lõi, Singapore vẫn chủ trương dựa vào một cá nhân, một minh quân thay vì dựa vào một cơ chế của một nước dân chủ. Vấn đề là (1) làm sao bảo đảm được người lãnh đạo là một minh quân; và (2) cho dù có được minh quân vẫn không đương nhiên có chính quyền tốt; nhưng (3) quan trọng nhất là nếu người lên cai trị là bạo chúa và/hoặc chính phủ của ông bất lực thì làm sao để thay thế họ.
Trong lúc nhân loại đã thấy ra sự giới hạn của chế độ phong kiến và tiến lên chế độ dân chủ, thì Singapore và một vài nước châu Á khác vẫn muốn dừng lại ở chế độ cai trị bởi những nhà vua mặc áo cộng hòa và biết dùng máy vi tính.
Tại sao phải bảo vệ môi sinh (CT4)
Thế nào là môi sinh. Tại sao phải bảo vệ môi sinh và những ai có nhiệm vụ bảo vệ môi sinh Việt Nam
Hoàng Quân
Ngược dòng lịch sử nước ta từ bao nhiêu thế kỷ qua, người Việt chỉ quen thuộc với những câu như: bảo vệ giang sơn bờ cõi, bảo vệ Tổ Quốc, tranh đấu cho độc lập, tự do cho Dân Tộc v.v... Hai chữ "Môi sinh" hay "Môi trường" tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trong tài liệu hay sách báo nước ta cách đây 30 năm. Vậy thì môi sinh là cái gì, môi sinh trở nên một vấn đề quan trọng từ hồi nào và tại sao? Câu trả lời đơn giản là: Môi sinh là môi trường chúng ta sinh sống; Môi sinh bị đe dọa từ khi khả năng ảnh hưởng của con người lên môi trường sống gia tăng vượt bực và sự thay đổi của môi sinh, do con người tạo ra, sẽ ảnh hưởng quan trọng ngược lại lên đời sống của chúng ta, bây giờ và trong tương lai lâu dài.
Khoảng 50 năm về trước, ảnh hưởng đáng kể lên môi sinh chỉ có nạn đốt rừng làm rẫy của các dân tộc miền núi. Vấn đề này hệ trọng vì hoa mầu được trồng không đủ khả năng giữ lại đất mầu vì vậy nhiều vùng đồi núi dần dần không còn cây mọc nữa, nước mưa không có môi trường giữ lại đã tạo nên những trận lụt chấp nhoáng, dữ dội ... Trong thời chiến tranh, bom đạn cũng đã làm cho nhiều cánh rừng bị cháy với hậu quả tương tự... Rồi tới việc sử dụng thuốc khai quang đã khiến cho rừng càng bị phá hủy trầm trọng.
Vào năm 1975, khi hòa bình trở lại, tưởng rằng thiên nhiên có điều kiện phục hồi, nhưng chính sách tập trung cải tạo các sĩ quan và cán bộ của chế độ cũ, đồng thời với việc đưa dân thành thị đi lập các vùng kinh tế mới đã huy động một khối dân khổng lồ vào việc phá rừng bừa bãi. Một trong những hậu quả rõ rệt tồn đọng tới nay là việc đào kinh thủy lợi một cách vô tổ chức tại đồng bằng Miền Nam Việt Nam. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các trận lụt xẩy ra thường xuyên tại đồng bằng Sông Cửu Long những năm gần đây .
Tóm lại, lý do đầu tiên của việc phá hủy môi sinh là chính sách của Nhà Nước không coi trọng việc bảo vệ môi sinh đồng thời lại có quá nhiều quyền hạn để huy động sức lao động của dân chúng trong các sinh hoạt nguy hại này.
Lý do quan trọng thứ nhì đã đe dọa và phá hủy môi sinh VN là sự thay đổi của nếp sống dân ta, đặc biệt tại các đô thị. Trong vòng 20 năm qua, việc sử dụng dầu khí cho nhu cầu di chuyển đã tăng vọt, khói xe và bụi đường đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt các thành phố. Bên cạnh đó là sự xuất hiện nhiều ngành sản xuất công nghệ trước đây không có. Tình trạng ô nhiễm môi trường thể hiện qua việc tháo đổ các chất phế thải công nghệ và thành phố ra các dòng sông, đồng ruộng và bầu không khí đang ảnh hưởng trầm trọng lên đời sống của nhân dân. Hiện nay chúng ta chưa có được con số thống kê về số tử vong do các chứng bệnh về viêm đường phổi tại các đô thị lớn và các bệnh do phế liệu hóa học tại các vùng dân cư bao quanh các cơ sở sản xuất lớn nhỏ, nhưng hình ảnh vô số người dân phải mang khẩu trang khi có việc phải di chuyển ngoài đường là một chỉ dấu báo động vì có biết bao nhiêu người khác không có khẩu trang, mà ngay như khẩu trang cũng chỉ ngăn được bụi mà thôi.
Lý do quan trọng thứ ba đe dọa môi sinh VN là sự thay đổi trong các phương pháp canh tác trong nông , ngư nghiệp. Để gia tăng năng xuất, nông dân đã sử dụng rất nhiều chất bón hóa học và các hóa chất trừ sâu. Vì không nắm vững và không được hướng dẫn về kỹ thuật, nhiều khi lượng hoá chất sử dụng đã nhiều từ 5 tới 10 lần hơn lượng cần thiết, gây nên nạn ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước ngầm trầm trọng. Phong trào phá rừng để làm đồn điền trồng một số cây kỹ nghệ hoặc làm trại nuôi tôm, nhất là để nuôi tôm, đã biến nhiều diện tích rừng quý giá, và cả một số ruộng lúa, thành những vùng đất bỏ hoang không sản xuất hay canh tác được .
Môi sinh là môi trường chúng ta sinh sống. Bảo vệ môi trường chúng ta đang sinh sống là chuyện đương nhiên. Tuy vậy những chuyện đương nhiên này đã không được thực hiện vì tình trạng thiếu hiểu biết, ích kỷ hay vô trách nhiệm của nhiều người. Bảo vệ môi sinh là nhiệm vụ của cả chính quyền lẫn người dân. Tuy nhiên trên tờ báo Canh Tân này, chúng tôi muốn đề cập nhiều hơn tới vai trò của người dân hơn là của chính quyền dù rằng đây chính là những người có trách nhiệm giải quyết hay chính là những thủ phạm đã gây nên những tàn phá môi sinh.
Vấn đề trước mắt của dân ta hiện nay là phải ý thức được hiểm họa của vấn đề tàn phá hay ô nhiễm môi trường sống của chính chúng ta. Làm sao mọi người cùng quan tâm tới môi sinh, thường xuyên cố gắng theo dõi và hiểu biết tình trạng vi phạm hay các nỗ lực bảo vệ môi sinh đang diễn ra tại các nơi trên đất nước. Sự quan tâm này chính là tâm thức, phong cách của những ai muốn và dám làm chủ đất nước. Đây cũng là một thái độ cần có để xây dựng sinh hoạt dân chủ trong các lãnh vực khác hơn là môi sinh.
Bên cạnh sự quan tâm, cũng cần phải có nỗ lực thi hành những công tác từ nhỏ tới lớn để bảo vệ môi sinh một cách cụ thể. Muốn thi hành công tác, dầu là nhỏ, cũng cần tìm cách tạo sự hợp tác giữa một số người và thông tin cho nhau để trao đổi sáng kiến, kinh nghiệm. Việc tìm hiểu và thông tin là những bước đầu để đối phó với một vấn nạn về môi sinh tại một địa phương. Đừng quên là tai họa môi sinh tại một địa phương nhiều khi phát xuất từ thượng nguồn dòng sông chẩy qua đó, từ một dẫy núi ở xa hay từ nhà máy tại một thành phố kế cận.
Để đối phó với nguy cơ về môi sinh, sẽ cần sự hợp tác của người dân tại các địa phương khác nhau, nhiều khi vượt ra ngoài cả biên giới quốc gia. Riêng đối với Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng để làm sao, trong việc bảo vệ môi sinh Việt Nam, chúng ta sẽ có sự chung sức của đồng bào cả ở trong và ngoài nước.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)