Lữ Triệu Phong
Địa danh Đức Phổ không từng gây cho nhiều người một ấn tượng mạnh mẽ nào, cho tới khi hai quyển sổ nhật kí "Những Ngày Rực Lửa" của cố bác sĩ Đặng Thùy Trâm được in thành sách.
Bối cảnh ra đi của chị Đặng Thùy Trâm, theo lời kể của người em là: "Chị tôi hi sinh năm 1970 tại chiến trường Quảng Ngãi. Cống hiến của chị tôi ghi trong hồ sơ đề nghị truy tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì rất đơn sơ: bác sĩ, hi sinh tại chiến trường. Thời gian công tác: năm năm, ba tháng, năm ngày...". Đó, phải chăng cũng là tấm Huy Chương Thanh Xuân đơn sơ dành cho 1920 ngày lửa đạn của một thời lẽ ra phải là huy hoàng tươi đẹp nhất ở một thiếu nữ vừa tốt nghiệp ngành Y?
Ngược lại, việc hoàn trả và phổ biến hai quyển sổ nhỏ bé đó sau 35 năm được trân quý cất giữ, lại nằm trong một bối cảnh tương đối khá đặc biệt, từ ông Frederic Whitehurst, một quân nhân Mỹ. Nguyên nhân của sự dầy công lưu giữ ấy lại càng đặc biệt hơn, là đến từ yêu cầu của ông Nguyễn Trung Hiếu, một thượng sĩ thông dịch viên của quân đội miền Nam. Và khởi đi từ tính nhân bản ở hai người cựu thù địch của tác giả trên chiến trường khốc liệt năm xưa đó, quyển sách "có lửa" ấy đã có dịp ra đời mới đây, chiếm kỉ lục phát hành trên toàn quốc trong hai tháng rồi, về cả số lượng in ấn và tốc độ phổ biến qua suốt nửa thế kỉ nay.
Chị Thùy, từ những ngày quanh Tết Mậu Thân, hẳn chưa từng có ý định viết cho độc giả mai sau. Có lẽ cũng chẳng bao giờ chị thoáng nghĩ tới một kỉ lục phát hành vào ngay thời điểm kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Chị viết, chị ghi lại chuyện hàng ngày, trước tiên là cho chính bản thân chị. Một mình. Nên rất thật, rất người. Điểm đầu đã có nhà văn Bảo Ninh trân trọng xiển dương. Điểm sau cũng đã có nhà văn Nguyên Ngọc nhận định sâu sát. Cả hai điểm, gộp chung lại, đã được độc giả cả nước trân quý đón nhận ở mức độ gây cảm giác sửng sốt cho toàn thể Hội Nhà Văn, kèm theo một dấu hỏi khá to về thành quả của những Trại Sáng Tác suốt 30 năm qua. Và biết đâu tác giả của bài thơ Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên, khi đọc quyển nhật kí của chị Thùy, hẳn đã phải tận tình xấu hổ vì đã miệt mài trau chuốt từ xa những lời ngợi ca sáo rỗng một chiến công hào hùng có thật vào thuở chị Thùy còn ở độ tuổi lớp 6.
Nhà thơ Hữu Loan, khi được hỏi sao chưa làm nhà, đã trả lời "còn bận làm người", như một lời nhắn gửi tới những ai từng tưởng là đã có quyền tước đoạt ở ông quyền sống cho ra người. Học giả Vương Trí Nhàn, khi trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ về quyển Nhật Kí Đặng Thùy Trâm, đã nhấn mạnh rằng ở đây, chúng ta "không chỉ gặp một chiến công mà còn gặp một con người". Hiếm đến thế sao? Ông nói lên điều này sau khi lãnh đạo đã lên tiếng ca ngợi giá trị tuyên truyền của quyển sách (mà xưa nay vẫn thường được mô tả theo khuôn đúc mẫu mực là "trong thơ có thép"). Ông không thể xa xỉ xiển dương anh hùng tính của một người xả thân vì lý tưởng, lại càng không hề đánh bóng tính hi sinh của nhiều thế hệ, để níu giữ một thời đại "ra ngõ gặp anh hùng", hầu giải quyết nhu cầu gầy lửa cực kỳ cần thiết của thời đại bất nhân vô hậu "ngồi nhà cũng gặp cường quyền tham nhũng" hôm nay. Ông chỉ đơn giản vinh danh người nữ bác sĩ nhân từ và quả cảm đã "tận tụy làm người". Ông đã trang trọng mời Thùy Trâm vào ngồi cùng chiếu trên văn đàn và "nhân đàn" với tác giả bài thơ Hoa Sim bất hủ.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lớn hơn chị Trâm 3 tuổi, có thể được xem là đồng lứa, cũng có cùng mẫu số chung là thấm đẫm tình người trong tác phẩm. Nhạc sĩ Văn Cao bảo "Sơn nó làm nhạc giống như là lấy đồ trong túi ra". Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang cho rằng "tiến trình âm nhạc của Sơn là do một rung động tự phát". Ở trang đầu tập nhạc Kinh Việt Nam (1968), với những bài nhạc: Sao Mắt Mẹ Chưa Vui, Nước Mắt Cho Quê Hương, Ta Ðã Thấy Gì Trong Ðêm Nay, Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói, Ngày Mai Ðây Bình Yên... tác giả đã ghi rằng đó "là tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương, là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này". Đặng Thùy Trâm không khác. Về cách viết. Lẫn nội dung.
Chị Thùy cũng có một khát vọng cháy bỏng tương tự: "niềm hi vọng đã như một ngọn đèn rực sáng trước mắt" (4-8-68). Ánh sáng của buổi rạng đông đó, hay của ngọn đèn trước mắt đó là gì mà người ta có thể chấp nhận "chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm" (14-7-69)? Không phải đôi ba người. Không phải vài chục hay vài trăm người. "Hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc" (14-7-69). Chị Thùy không đứng từ xa nhìn vào cuộc chiến và làm thơ hoan hô để động viên thêm người đi B. Chị chỉ cần khẽ với tay là hái được ngay quả chín lý tưởng của cả một thế hệ, ngay tại bìa rừng Đức Phổ: "Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc...." (14-7-69). Và biết rất rõ rằng trang sử này được "viết bằng xương máu và tuổi xuân của bao người" (23-11-69). Quả là "Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì... ", như anh Sơn đã ghi lại trong bài hát Một Cõi Đi Về. Tất cả, tất cả, "biết bao người đã tình nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình vì bốn chữ độc lập, tự do" (4-5-68). Có khi, ngay trên đường đi tới còn phải tự nhắc chính mình: "Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thùy có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống chưa hề được hưởng hạnh phúc" (21-12-68). Có phải ở một tương giao cách cảm nào đó, anh Sơn đã bắt gặp hình ảnh chị Thùy: "Ta thấy em đang ngồi khóc, khi rừng chiều đổ mưa"?
Chị Thùy, em Thuận, anh Khiêm... và nhiều người khác nữa. Chưa được nhìn thấy ngày mai của dân tộc. Chưa được nếm thử mùi vị của bốn chữ độc lập, tự do. Âu cũng là may cho họ, nhờ chưa phải chứng kiến một ngày mai của dân tộc trong đó các Mẹ Anh Hùng đã an hưởng hòa bình:
Mẹ nghiêng vò gạo vét không còn
Ôi! Miệng vò hun hút hố bom
Chẳng cả con mèo mà nói chuyện
Để cho dịu bớt nỗi cô đơn...
Tiền tử tuất món tiền nhỏ bé
Mẹ năm con như mẹ một con
Mẹ thương các con thường tiếp khách
Lương mẹ ngang mấy hộp bia lon? (Xuân Miễn)
Còn mọi người quanh Mẹ? Ôi, những cuộc đời...
Mưa xối, nắng thiêu
Đêm trong, ngày đục
Thác bỗng dựng ở nơi không gấp khúc
Bợt bạt mặt người trong cơn giông (Hoàng Trần Cương)
Ôi, những mảnh đời... "tiến thoái lưỡng nan", đến phải thường xuyên tự nhủ
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng! (Trịnh Công Sơn).
Không khác lời tiên tri của chị Thùy cho lãnh đạo nói với cả nước: "Hãy lấy niềm tự hào mà quên đi thất vọng" (12-4-68). Lớn nhất, chính là nỗi thất vọng bởi một phản bội rõ to, rõ đậm, rõ dài, ngay trên bốn chữ Độc Lập Tự Do bị che lấp bởi cái bóng của đàn anh Quốc Tế Cộng Sản:
Ta không phải vì ta ba chục triệu người.
Mà vì ba ngàn triệu trên đời. (Tố Hữu)
Và còn ngập ngụa biết mấy với bọn em út đảng viên, những kẻ:
Tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả.... (Phùng Quán)
Những tên phỗng đứng đời xưa ấy
Gạo thịt cơm thừa đổ xuống sông
Nhìn người mẹ đói đau đứt ruột
Mặt trời vàng úa biết còn không? (Hoàng Vũ Thuật)
Không phải mới ló mặt hôm nay. Chính chị Thùy đã nhận diện tiền thân bọn này từ thời còn lặn lội trong bưng: "Vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng, những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi nó sẽ đục khoét dần lòng tin yêu với Đảng" (25-5-68)... "Ngày từng ngày máu vẫn rơi, xương vẫn đổ. Điều đáng buồn nhất là trong những hi sinh gian khổ ấy, Th. chưa thấy được sự công bằng, sự trung thực. Chưa có một sự đấu tranh để thắng được những cái ti tiện, đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của hai chữ đảng viên" (15-6-68).
35 năm sau những dòng chữ đó của chị Thùy, nhà văn Dương Thu Hương đã lặp lại nhiều lần chữ Ti Tiện riêng dành cho toàn bộ lãnh đạo CSVN, trước ống kính phỏng vấn của đài truyền hình ABC (Úc), ngay giữa lòng Hà Nội. Những khát vọng trẻ đã tự bao giờ biến thành những tuyệt vọng già, phất phơ trước những đỉnh cao vô trách nhiệm?
Ta đã thấy những vết lồi vết lõm trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao (Việt Phương)
Từ đó, liệu có dư thừa (hoặc sẽ tạo phản cảm không) những công sức đánh bóng khía cạnh anh hùng của một Đặng Thùy Trâm từng bị phản bội ngay trên chiến trường Đức Phổ, kéo dài cho tới thị trường có định hướng hiện nay? "Không có cách nào giải quyết khác hơn là mình vẫn phải ở lại cùng anh em thương binh. Buồn cười thay đồng chí chính trị viên của bệnh xá từ chối không dám ở lại cùng mình trong tình huống này. Vậy đó, lửa thử vàng gian nan thử sức" (16-6-70). Khó cười được nữa rồi: "Một ngày, hai ngày... rồi chín ngày đã trôi đi mọi người vẫn không trở lại! Những câu hỏi cứ xoáy trong đầu óc mình và những người ở lại. Vì sao? Lý do vì sao mà không ai trở lại? Có khó khăn gì? Không lẽ nào mọi người lại đành đoạn bỏ bọn mình trong cảnh này sao?" (20-6-70). Đó là dòng chữ cuối cùng của chị Thùy, cô độc tận cùng trên tuyến đầu Đức Phổ, trước sự đớn hèn của lãnh đạo và đồng đội. Hai ngày sau, chị Thùy hi sinh.
Cũng từ đó, một con đường hay một bệnh xá mang tên chị Thùy có lẽ chưa đủ tầm nhân bản như khát vọng vô bờ nhưng rất đỗi bình dị của chị. Hãy đưa tên chị vào tận Quốc Hội, cùng với câu chất vấn của chị từ giữa năm 1968 tới giờ vẫn chưa được trả lời: "Tại sao vậy hở tất cả mọi người? Tại sao khi ta là kẻ đúng, khi ta là số đông mà không đấu tranh được với một số nhỏ, để số người đó gây khó khăn trở ngại cho tập thể?" (29-5-68).
Bàn cờ thế sự quân không động
Mà thấy quanh mình nổi bão giông (Khương Hữu Dụng)
Tại sao vậy, hỡi đồng bào cả nước?
Đã tỉnh giấc chưa, hỡi tuổi trẻ cả nước?
* Những chữ in nghiêng trong ngoặc được trích từ nhật kí của chị Thùy
05 tháng 9, 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét